Dự báo 3 cú sốc ảnh hưởng nền kinh tế châu Âu trong tương lai World Bank: Kinh tế Việt Nam cần đa dạng hóa để “sánh vai” với Hàn Quốc Thái Lan ra luật mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu |
Chia sẻ với Bloomberg, ông Daniel Moss - cựu Tổng biên tập phụ trách mảng kinh tế tờ báo này cho rằng, Thái Lan đang “chạy đua” để hồi sinh và đổi mới nền kinh tế, trong bối cảnh xã hội nước này đang thay đổi sâu sắc. Mặc dù từng là một trong những trung tâm tài chính của Đông Nam Á, Thái Lan ngày nay đang đối mặt với một vấn đề chung trong khu vực: Tỷ suất sinh giảm và dân số đang già hóa.
Một khu chợ tại Thái Lan. Ảnh: Bloomberg |
Thực tế, các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng đang gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, do có tiềm lực kinh tế trước đó, ba nước này đã có đủ năng lực tài chính để đối phó với tình trạng già hóa dân số. Ngược lại, những nước đang phát triển như Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm sút nhưng vẫn có nền kinh tế tương đối ổn định, do độ tuổi trung bình ở các nước này khá trẻ.
Mặc dù vậy, Thái Lan đang bị “siết chặt” bởi vấn đề dân số không giống như các nước láng giềng. Mặc dù là một thị trường mới nổi với một nền kinh tế khá tiên tiến, Thái Lan lại thiếu các mạng lưới an sinh xã hội cho người già như các nước châu Mỹ hoặc châu Âu. Theo số liệu năm 2021 từ World Bank, tỷ suất sinh vào năm 2021 của Thái Lan chỉ là 1,33, trong khi tuổi thọ trung bình tại nước này là xấp sỉ 79 tuổi. Bộ Y tế nước này thậm chí đã cảnh báo rằng số người lao động có thể giảm từ 46 triệu xuống còn 14 triệu, và dân số nước này có thể giảm tới 50% trong sáu thập kỷ tới nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Tuy vậy, Thái Lan bước đầu đã kiểm soát vấn đề này. Gần đây, Chính phủ nước này đã bắt đầu cải tổ dịch vụ mang thai hộ, với mong muốn chấm dứt lệnh cấm người nước ngoài mang thai hộ và cho phép các cặp đôi đồng tính có thể có con. Nếu thành công, điều này sẽ có thể “đánh bóng tên tuổi” của Thái Lan như là một trung tâm du lịch y tế trong khu vực.
Nhưng Thái Lan vẫn còn nhiều vấn đề trước mắt, như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và tình trạng giảm giá tiêu dùng còn đáng lo ngại. Các quan chức Thái Lan hiện dự đoán tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng 2,7% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 3,2%. Theo tính toán của Bloomberg, trong vòng 1 thập kỷ qua, tăng trưởng sản phẩm quốc nội Thái Lan chỉ ở mức trung bình dưới 2%.
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đang thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất ngay lập tức; bất chấp sự phản đối của ngân hàng này. Theo ông Daniel Moss, động thái này của Thủ tướng Srettha Thavisin là đúng đắn: "Lạm phát không phải là vấn đề với Thái Lan và nền kinh tế nước này đang mất dần tốc độ" - Ông nói.
Chính phủ Thái Lan cũng đang có những động thái nới lỏng các chính sách tài khóa. Nội các Thái Lan tuần trước đã thông qua kế hoạch chi tiêu nhằm làm tăng thâm hụt ngân sách và tăng cường vay mượn. Ông Srettha Thavisin đã hứa sẽ dùng một khoản tiền trị giá 500 tỷ baht (tương đương khoảng 343 nghìn tỷ đồng) để trợ cấp 10.000 baht (tương đương 6,86 triệu đồng) cho mỗi công dân nước này.
Về du lịch, một trong những ngành mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế Thái Lan, chính phủ nước này cũng đã có những kế hoạch mới. Thủ tướng Thái Lan gần đây đã ký thỏa thuận miễn thị thực với Trung Quốc (nguồn du khách lớn nhất của Thái Lan) và đề nghị miễn thị thực tạm thời cho du khách đến từ Ấn Độ và Kazakhstan. Ông Srettha Thavisin đang ủng hộ việc cấp thị thực chung với các nước láng giềng Đông Nam Á theo mô hình của Liên minh châu Âu, cũng như đang xem xét xây dựng sòng bạc bên trong các khu giải trí lớn.
Theo ông Daniel Moss, những kế hoạch gần đây của ông Srettha Thavisin mặc dù khá tham vọng, nhưng là bước khởi đầu đúng đắn. Tuy vậy, bài toán nhân khẩu học có thể “trừng phạt” quốc gia này nếu không được giải quyết sớm.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tuần san The Lancet vào tháng trước, tỷ suất sinh trung bình toàn cầu được dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,8 vào năm 2050 và 1,6 vào năm 2100. Chỉ có 6 trong số 204 quốc gia được khảo sát trong nghiên cứu có tỷ suất sinh là 2,1 (mức đủ để duy trì mật độ dân số). Ở Thái Lan, tỷ suất sinh đã ở dưới mức 2,1 trong nhiều thập kỷ.
Đồng tác giả nghiên cứu, bà Natalia V. Bhattacharjee và ông Austin E. Schumacher đã viết: “Trừ khi chính phủ các nước tìm được nguồn cung hoặc chính sách để giải quyết những thách thức về già hóa dân số, vấn đề sẽ ngày càng gây áp lực lên hệ thông bảo hiểm y tế quốc gia, các chương trình an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn một khi dân số trong độ tuổi lao động giảm, làm giảm nguồn thuế cho nhà nước, dẫn đến việc các hệ thống y tế sẽ nhận được ít trợ cấp hơn".
Về giải pháp, ông Daniel Moss đã đưa ra ví dụ về nước láng giềng Singapore. Nước này tuy có tỷ suất sinh đạt mức thấp kỷ lục là 0,97 vào năm, nhưng Chính phủ Singapore đã có chính sách bổ sung nguồn lao động nước ngoài để thay thế nguồn lao động địa phương.
Tuy vậy, theo ông Daniel Moss, bài toán về nhân khẩu sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của Thủ tướng Srettha Thavisin, hay bất kì vị chính sách nào kế vị ông. "Hướng đi hiện tại của Thái Lan là đúng đắn. Nhưng bí quyết để phát triển lâu dài là duy trì tốc độ đổi mới” - Ông Daniel Moss chia sẻ.
Ngọc Anh