Thái Lan: Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh ra sao?

22/05/2025 - 15:11
(Bankviet.com) Bộ Y tế Thái Lan đang tăng cường cảnh giác vì số ca mắc tăng mạnh và nguy cơ cao với người già, trẻ nhỏ từ biến thể Covid-19 XEC.
Phòng dịch Covid-19: Khẩu trang đắt hàng hơn nhưng giá ổn định Quy định mới nhất về cách ly khi mắc Covid-19 Tỉnh Thái Bình chủ động tăng cường phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, đang tăng cường cảnh giác với biến thể XEC của Covid-19 vì loại virus này hiện lây lan nhanh gấp bảy lần so với cúm mùa thông thường.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin cho hay, Bộ đang huy động nhân lực và nguồn lực để bảo vệ các nhóm dễ tổn thương, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các trường học.

Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh tại Thái Lan. Ảnh: WHO
Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh tại Thái Lan. Ảnh: WHO

Từ ngày 1/1 đến nay, Thái Lan đã bước sang tuần thứ 21 thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch. Tổng cộng đã ghi nhận 108.891 ca mắc biến thể XEC, trong đó, có 27 người tử vong.

Phần lớn các ca tử vong thuộc nhóm "608", tức những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc phụ nữ mang thai, với khoảng 80% ca tử vong là người lớn tuổi. Trẻ em cũng là nhóm bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần này.

Biến thể XEC là một nhánh mới của Omicron. Dù không gây bệnh quá nặng, tốc độ lây lan nhanh khiến nguy cơ đối với người dễ bị tổn thương tăng cao. Dù tỷ lệ tử vong không cao, các chuyên gia y tế vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa.

Bác sĩ Teera Woratanarat, thuộc Khoa Y, Đại học Chulalongkorn, cho biết biến thể này lây lan nhanh gần gấp bảy lần so với cúm mùa.

Chính quyền Bangkok cũng yêu cầu các trường học theo dõi sát tình trạng lây nhiễm theo cụm trong học sinh.

Theo bác sĩ Teera, Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất hiện nay ở mọi nhóm tuổi, từ trẻ em, thanh thiếu niên đến người trưởng thành và người già. Chỉ trong tuần qua, có 43.213 bệnh nhân nhập viện hoặc điều trị ngoại trú vì mắc Covid-19, tăng 35,5% so với tuần trước.

Trong số các ca tử vong gần đây, có ba người đến từ các tỉnh Kanchanaburi, Sukhothai và quận Bangkok Noi (Bangkok).

Ở một diễn biến khác, trang chủ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đăng tải thông tin rằng Nhóm cố vấn kỹ thuật về thành phần vắc xin Covid-19 (gọi tắt là TAG-CO-VAC) vẫn đang theo dõi sát sự biến đổi về mặt di truyền và kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, phản ứng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc xin, cũng như hiệu quả của các loại vắc xin hiện nay trước các biến thể đang lưu hành.

Dựa trên các đánh giá này, WHO đưa ra khuyến nghị cho các nhà sản xuất và cơ quan quản lý dược phẩm về việc có nên cập nhật thành phần vắc xin Covid-19 trong tương lai hay không.

Vào đầu tháng 5/2025, nhóm TAG-CO-VAC đã họp lại để tiếp tục đánh giá sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2, phản ứng miễn dịch sau nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc xin, hiệu quả của các loại vắc xin hiện hành trước những biến thể đang lưu hành và từ đó đưa ra khuyến nghị mới nhất về việc có cần cập nhật thành phần vắc xin hay không.

Vào năm 2024, nhóm TAG-CO-VAC khuyến nghị sử dụng loại vắc xin đơn trị (monovalent) nhắm vào dòng biến thể JN.1, nhằm tăng khả năng tạo kháng thể trung hòa tốt hơn với JN.1 và các biến thể con của nó.

Đến tháng 12/2024, nhóm tiếp tục đề xuất giữ nguyên hướng tiếp cận này.

Nhiều hãng sản xuất vắc xin (dùng công nghệ mRNA, protein tái tổ hợp hoặc virus adenovirus làm vector) đã cập nhật thành phần vắc xin theo hướng nhắm riêng vào dòng JN.1 (hoặc KP.2, là dòng con của JN.1). Một số loại vắc xin này đã được các cơ quan quản lý phê duyệt và bắt đầu triển khai tiêm chủng tại một số quốc gia từ nửa cuối năm 2024.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương