Thanh toán số - nền tảng xây dựng thành phố thông minh

06/10/2024 - 18:39
(Bankviet.com) Việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực…

Để đạt được điều này, Hà Nội đã và đang tập trung vào việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khơi dậy khả năng sáng tạo của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, năng động và đáng sống.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở"

Phát biểu tại hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở" ngày 2/10 do UBND Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chỉ đạo, Báo Tiền Phong và NAPAS tổ chức, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết: “Việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển. Từ việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thành - Phó Trưởng Phòng phát triển kênh số và đối tác, Vietcombank nhận định, thành phố thông minh được định nghĩa là một khu vực đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cùng các cảm biến điện tử để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Trong đó, các giải pháp thông minh cho tiện ích đô thị được coi yếu tố cơ bản xuyên suốt, đặc biệt, thanh toán số sẽ là công cụ đắc lực để thực hiện điều đó.

"Thanh toán số hiện diện trong mọi lĩnh vực từ các dịch vụ thiết yếu như: Giao thông thông minh, y tế số, giáo dục số, dịch vụ tiện ích, dịch vụ hành chính công trực tuyến đến ngành bán lẻ, du lịch thương mại…”, ông Trần Văn Thành - Phó Trưởng Phòng phát triển kênh số và đối tác, Vietcombank cho biết.

ong-pham-tien-dung.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Theo ông Hà Minh Hải, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động, đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đối với người dân, thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi trong các giao dịch hàng ngày.

“Đối với doanh nghiệp, hệ thống này giúp quản lý tài chính hiệu quả, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc sử dụng tiền mặt. Đối với chính quyền thành phố, thanh toán thông minh là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình quản lý ngân sách, thu chi công khai và tối ưu hóa nguồn lực”, ông Hà Minh Hải khẳng định.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiền Dũng khẳng định, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nên tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triên một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.

Với vai trò là đơn vị đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ TP. Hà Nội xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết: “Mô hình đô thị thông minh/thành phố thông minh hiện đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp cũng như chất lượng sống của cư dân đô thị. Hướng tới mô hình xây dựng thành phố thông minh của thủ đô Hà Nội, các giải pháp thanh toán điện tử được tích hợp, ứng dụng trong các lĩnh vực sẽ góp phần gia tăng tiện ích cũng như đem lại hiệu quả trong triển khai các hoạt động nói chung”.

Theo đó, NAPAS và các ngân hàng thành viên đã sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật để triển khai kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công,... thông qua hạ tầng kỹ thuật ngân hàng mở. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường triển khai, kết nối với hệ thống ngân hàng để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ chất lượng.

"Có thể nói, kết quả triển khai mở rộng hệ sinh thái thanh toán bán lẻ quốc gia kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, chính phủ và các ngân hàng trong nhiều lĩnh vực thiết yếu đã góp phần thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, mang lại sự thuận tiện, đơn giản và an toàn cho mọi người...”, ông Nguyễn Quang Hưng nói.

Mặt khác, dù Hà Nội đã có nhiều thành công, thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh, tuy nhiên, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra rằng, đây mới là kết quả bước đầu và còn chậm so với thế giới. Các dự án thông minh về giáo dục, y tế, dịch vụ công, giao dịch trực tuyến còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ với quy hoạch của thành phố.

"Đó là thách thức, nhưng tôi tin, Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện để xây dựng thành phố thông minh", TS. Nguyễn Quân cho biết.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ