Thanh tra, kiểm tra để đánh giá thực chất về hoạt động của thị trường vàng

30/05/2024 - 06:59
(Bankviet.com) Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trước mắt, dùng công cụ thuộc quản lý nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá thực chất về hoạt động của thị trường vàng.
Kỳ lạ thị trường vàng: Giá tăng hay giảm đều khó mua Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng miếng, thêm biện pháp quản lý thị trường vàng Xây dựng phương án mới trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các ý kiến của đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương những kết quả quan trọng khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sau khi đánh giá bổ sung có nhiều thay đổi tích cực hơn so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6, nhất là tốc độ tăng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, thu hút và giải ngân vốn FDI.

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả hơn cùng kỳ năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực, được các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao.

Cùng với những khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn tín dụng với các doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng, đặc biệt là chương trình phục hồi, phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng cho hay, các đại biểu có nêu doanh nghiệp rất khó khăn, do đó trong báo cáo cũng như trong định hướng, Chính phủ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Đối với giải pháp này trong thời gian qua, quy mô hỗ trợ khoảng 700.000 tỷ đồng, trong đó, năm 2020: 129.000 tỷ đồng, năm 2021: 145.000 tỷ đồng, năm 2022: 233.000 tỷ đồng, năm 2023: 196.000 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2024 cũng đã trình Quốc hội đã phê duyệt chủ trương, tiếp tục giảm thuế và trong 6 tháng cuối năm đang trình Quốc hội. Nếu được thông qua giảm thuế 2% thì quy mô giảm khoảng 24.000 tỷ đồng và cả năm có thể giảm, miễn giảm khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn khoảng 92.000 tỷ đồng và miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng.

Trong phát biểu của các đại biểu đánh giá về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bên cạnh những kết quả đạt được còn một số việc phải quan tâm. Đầu tiên là 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để tiếp cận vốn tín dụng, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện gói này, chúng ta thực hiện không thành công.

Trong báo cáo của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo đầy đủ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thay vì giảm lãi suất 2%, năm 2023 ta chuyển sang trình Quốc hội miễn giảm, giảm thuế giá trị gia tăng 2% và thuế bảo vệ môi trường thì kết quả đạt được gần 200.000 tỷ đồng. Việc này Chính phủ rất linh hoạt, quyết liệt, trong nguồn lực Quốc hội cho phép.

Đối với những gói liên quan tới đầu tư công của chương trình, chúng tôi sẽ tiếp tục và cũng được Quốc hội cho phép để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư của chương trình này để phát huy được hiệu quả.

Có thể nói, chương trình này đến thời điểm hiện nay tuy còn một số khó khăn, nhưng đánh giá tổng thể đạt được thành công, góp phần tăng GDP năm 2023 đạt 5,05% và Quý I/2024 cũng đạt 5,66%. Kết quả và các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng cũng cho thấy kết quả thấy tích cực hơn, nhiều chỉ tiêu cải thiện rất đáng kể.

Với những động lực tăng trưởng truyền thống cũng như khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới với mức tăng trưởng chúng ta đạt được khá cao trong khu vực và trong điều kiện khó khăn, tuy nhiên mục tiêu đề ra chúng ta cũng còn phải phấn đấu tiếp.

Phó Thủ tướng cho rằng, thông thường khi họp về kinh tế, xã hội, các đại biểu nói là giải ngân chậm nhưng trong 2 năm gần đây, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện những giải pháp giải ngân đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Cùng với động lực này, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công để đầu tư và kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công - tư.

"Đối với kích hoạt và dẫn dắt vốn đầu tư tư, chúng tôi thấy có những tín hiệu rất tích cực khi chúng ta giải ngân vốn đầu tư công đối với những công trình trọng điểm, đặc biệt là những công trình hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc. Hiện nay, chúng ta đã có 2.000 km, đến năm 2025 đưa vào khai thác vào khoảng 3.000 km theo Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII" - Phó Thủ tướng nêu.

Còn các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán cũng như ký kết các hiệp định về FTA hay cuộc vận động để kích cầu thị trường trong nước, chúng ta tiếp tục thúc đẩy. Ngoài ra, một số lĩnh vực theo xu hướng mới về tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chúng ta tiếp tục đầu tư.

Đối với thị trường vàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, thị trường thế giới có xu hướng tăng và trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng SJC thì tăng cao. Từ tháng 6/2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước.

Đến thời điểm hiện nay, đã có 25 văn bản, trong đó có những công cụ can thiệp vào thị trường vàng để bình ổn thị trường vàng, đồng thời, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực có một số giải pháp, tuy nhiên khi can thiệp thì thấy hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn, còn về mặt lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 để chúng ta có giải pháp về lâu dài.

"Trước mắt, chúng ta dùng công cụ thuộc quản lý nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất về hoạt động của thị trường vàng và có những giải pháp để xử lý theo quy định để đưa thị trường vàng bình ổn theo tinh thần các đại biểu mong muốn là tiến sát với thị trường thế giới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương