Thành viên liên danh Vietur vừa trúng gói thầu hơn 9.000 tỷ đồng tại sân bay Tân Sơn Nhất

12/08/2023 - 20:42
(Bankviet.com) Liên danh gồm 6 nhà thầu, trong đó có 3 công ty thuộc Liên danh Vietur là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (UPCoM: HAN), Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (UPCoM: CC1), Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons (PHG) vừa trúng gói thầu xây lắp thuộc Dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với giá trị trúng thầu hơn 9.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: ACV) vừa ký Quyết định 3288/QĐ-TCTCHKVN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói số 12 – Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo quyết định, liên danh được công bố trúng thầu bao gồm các doanh nghiệp: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP; Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP; Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.

3 thành viên ‘Liên danh Vietur’ vừa được trao gói thầu hơn 9.000 tỷ đồng tại Sân bay Tân Sơn Nhất
Quyết định phê duyệt vừa được lãnh đạo ACV ký

Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 với giá gói thầu 9.056.363.242.080 đồng. Liên danh nêu trên đã trúng thầu với mức giá 9.034.126.005.061 đồng, thời gian thực hiện trong 600 ngày.

Các doanh nghiệp góp mặt trong liên danh trúng thầu đều là các tên tuổi quen thuộc, trong đó HAN, Ricons, CC1 hiện cũng đang thuộc quân số của Liên danh Vietur – liên danh duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói xây lắp sân bay Long Thành hơn 35.000 tỷ đồng.

Hancorp: ‘Phú quý giật lùi’, lợi nhuận giám 71%

Quý II/2023, doanh thu thuần Xây dựng Hà Nội (Hancorp, mã chứng khoán HAN) giảm 19% xuống còn 730 tỷ đồng. Giá vốn giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp co lại còn 4% (quý II/2022 ở mức 9%), tương ứng lợi nhuận gộp đạt 28 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 4% xuống 8 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 65% lên 8 tỷ đồng, toàn bộ đều là chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 56% xuống 15 tỷ.

Kết quả, HAN ghi nhận lãi sau thuế quý II/2023 chỉ ở mức 8,6 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần giảm 29% xuống 901 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỷ đồng. So với kế hoạch, HAN mới hoàn thành hơn 18% mục tiêu lãi cả năm 2023.

3 thành viên ‘Liên danh Vietur’ vừa được trao gói thầu hơn 9.000 tỷ đồng tại Sân bay Tân Sơn Nhất
Lợi nhuận của Hancorp giảm mạnh trong quý II/2023

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của HAN đạt 7.483 tỷ, trong đó khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.708 tỷ đồng và khoản mục hàng tồn kho chiếm 2.075 tỷ đồng. Công ty nắm gần 250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm mạnh 270 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ phải trả của HAN tại thời điểm cuối quý II đang ở mức 5.845 tỷ - gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu. Nợ vay chiếm ngắn hạn ghi nhận 1.090 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu chưa thực hiện dài hạn ghi nhận hơn 1.260 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại dự án Tòa nhà hỗn hợp N01T6-T7 Khu Ngoại giao đoàn với 1.110 tỷ đồng.

Trước khi trúng gói thầu nhà ga T3, HAN mới đây đã trúng một gói khác cũng tại ACV. Đó là gói xây lắp thuộc Dự án dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Nội Bài (hơn 65,3 tỷ đồng).

Ricons: Lãi ròng tăng 90%, vượt kế hoạch năm

Quý II/2023, Ricons đạt doanh thu thuần hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ hợp đồng xây dựng với gần 2.083 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động bất động sản là 14 tỷ đồng, còn lại đến từ doanh thu khác.

Dù doanh thu thuần giảm nhưng doanh thu hoạt động tài chính trong quý II đạt gần 27 tỷ đồng (tăng 158% so với cùng kỳ) đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 22 lần so cùng kỳ.

Kết thúc quý II, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20%. Nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và công ty liên doanh liên kết mà lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41%. So với kế hoạch năm 2023, Ricons thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt chỉ tiêu lãi sau thuế trong nửa đầu năm.

Đáng chú ý, trong báo cáo khoản phải thu lần này Ricons nêu đích danh Công ty CP Xây dựng Coteccons nợ hơn 320 tỷ đồng, Công ty CP Gamuda Land nợ gần 650 tỷ đồng, còn lại là từ các khách hàng khác nợ hơn 2.400 tỷ đồng.

Vừa qua, Ricons có động thái khiến dư luận xôn xao khi ông lớn xây lắp này đệ đơn yêu cầu Công ty Coteccons phá sản với lý do liên quan đến khoản nợ lâu năm không được thanh toán.

Doanh thu sụt giảm, CC1 bất ngờ báo lỗ

Cùng là thành viên thuộc ‘Liên danh Vietur’ khá đình đám trong thời gian qua, CC1 đang cho thấy sự hiệu quả trong hoạt động đấu thầu trong 6 tháng đầu năm, với việc liên tiếp trúng các gói thầu lớn.

Cuối tháng 7/2023, CC1 nằm trong liên danh được chỉ định thầu thực hiện gói xây lắp, Dự án Thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 với giá trị trúng thầu hơn 1.410 tỷ đồng. Trước đó không lâu, CC1 cùng Trung Nam cũng đã được chỉ định thực hiện thực hiện gói thầu hơn 1.467 tỷ đồng, thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột.

Trúng thầu nhiều tuy nhiên bức tranh tài chính của CC1 chưa thực sự sáng sủa. Quý II/2023, CC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.236 tỷ đồng, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phần lớn đến từ hoạt động xây dựng và bán hàng hóa.

3 thành viên ‘Liên danh Vietur’ vừa được trao gói thầu hơn 9.000 tỷ đồng tại Sân bay Tân Sơn Nhất
CC1 báo lỗ trong quý II/2023

Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm 23,5% xuống 1.127 tỷ đồng, lợi nhuận gộp kỳ này giảm 8% xuống gần 109 tỷ đồng. Ngoài ra, CC1 còn ghi nhận doanh thu tài chính giảm 20% xuống 76,7 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay tăng 21% lên 125,2 tỷ đồng.

Cùng lúc đó, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 97% và 34,5%, xuống tương ứng 200 triệu đồng và 44 tỷ đồng. Kết quả, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP bất ngờ báo lỗ sau thuế 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 13,2 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CC1 ghi nhận doanh thu thuần 1.781,8 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế ghi nhận chỉ đạt 5,77 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2022. Điểm sáng là hàng tồn kho của CC1 giảm 27% xuống mức 732,7 tỷ đồng. Chi phí kinh doanh dở dang chiếm phần lớn với 632,8 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của CC1 là 10.362,7 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với đầu năm, chiếm 71,9% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm 7% về 2.048 tỷ đồng, vay nợ dài hạn dừng ở 4.580 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu của CC1 ghi nhận tại 4.052 tỷ đồng, giảm 109 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 362,4 tỷ đồng.

VinaCapital có động thái bán bớt cổ phiếu CTD khi đón tin không vui từ gói thầu 35.000 tỉ

VOF Investment Limited – quỹ thuộc VinaCapital quản lý đã bán ra 600.000 cổ phiếu CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons trong ngày ...

Cập nhật tiến độ dự án sân bay Long Thành

Dự án Sân bay Long Thành được kỳ vọng là một trong những động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Tính ...

Lùm xùm khiếu nại của liên danh Hoa Lư, cổ phiếu HAN, VCG, PHC đồng loạt trượt giá

Kết thúc phiên giao dịch 7/8, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc liên danh VIETUR đồng loạt trượt giá sau nhịp tăng mạnh vào ...

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán