Chứng khoán Việt và câu chuyện từ trời Âu
Xung đột căng thẳng, Fed lên kế hoạch tăng lãi suất và nhiều yếu tố vĩ mô khác đang tác động mạnh tới thị trường chứng khoán và đặc biệt là tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không chỉ tiềm ẩn rủi ro, mà còn mang đến cả những cơ hội.
Trao đổi cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, thị trường tài chính nói chung có đặc điểm là khi có cú sốc sẽ dẫn đến tình trạng bấn loạn, phản ứng thái quá, nhưng sau đó, khi nhà đầu tư điềm tĩnh hơn, đón nhận đủ thông tin hơn, nhiều chỉ báo đáng tin cậy hơn thì cách phản ứng cũng bình tĩnh hơn.
Với kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, theo ông Thành, địa chính trị sẽ có nhiều tác động về kinh tế, điều này tùy thuộc vào quy mô, mức độ kéo dài, nhưng xung đột theo kiểu có tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn thì hệ lụy sẽ dài hạn. Trước mắt có thể thấy 2 tác động rõ nhất là: Giá dầu tăng, rộng ra là lạm phát và gắn với lạm phát thì ảnh hưởng đến mức độ điều chỉnh chính sách vĩ mô, tiền tệ của các nước lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng theo nghĩa làm cho phục hồi kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, bản thân các nước đang có xung đột (chưa nói các nước tham gia trừng phạt, cấm vận) cũng bị ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và sẽ tác động đến cả thế giới.
Ông Thành cho rằng, nếu rủi ro gia tăng thì luồng tiền sẽ tìm chỗ trú ẩn, thay vì đầu tư sản xuất - kinh doanh, có thể sẽ được dùng để đầu tư tài chính, cho các kênh an toàn như vàng, hay đồng Yên (Nhật Bản). Riêng thị trường chứng khoán, phản ứng phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng, phán đoán của thị trường, nhà đầu tư về quy mô, thời gian sự kiện… Với các lĩnh vực, ngành nghề thì còn tùy thuộc vào mức độ tác động, tương tác, quan hệ của các nước xung đột với thế giới với các nước khác, với thị trường như Việt Nam chẳng hạn.
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn đầy triển vọng. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dù Việt Nam cách xa châu Âu, nhưng thị trường chứng khoán cũng mang tính liên thông mạnh mẽ và mọi sự hoảng loạn dù ở xa cũng sẽ tác động lên thị trường tài chính trong nước. Tâm lý không biết chiến sự kéo dài bao lâu, thị trường sẽ đi theo hướng nào của nhà đầu tư là dễ hiểu. Diễn biến giá vàng trong nước và thế giới tăng cũng đang phản ánh điều này, khi tâm lý lo sợ thì mua vàng vẫn là một thói quen.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cần bình tĩnh với các biến cố trên thế giới, và nếu các bên tìm được giải pháp và đi đến thỏa thuận hòa bình thì thị trường sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Hiện tại, là lúc nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu của doanh nghiệp có uy tín, có báo cáo tài chính tốt, trong các lĩnh vực có khả năng phát triển, tránh xa các cổ phiếu và lĩnh vực có nhiều rủi ro.
“Hơn lúc nào hết, hiện tại không phải là lúc kiếm tiền nhanh mà nhà đầu tư cần đề cao việc bảo vệ tài sản của mình”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tìm cơ trong nguy
Quan sát những tác động từ bên ngoài biên giới, ông Đỗ Khoa, Broker Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng, diễn biến thị trường nói chung còn phụ thuộc nhiều vào căng thẳng Nga - Ukraine. Xung đột vũ trang lần này sẽ không chỉ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn cả với cả thị trường tài chính toàn cầu, cả quyết định thời điểm nâng lãi suất, mức nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trường hợp hai bên đàm phán và tìm được tiếng nói chung thì tình hình có thể ổn định trở lại.
Trong một diễn khác, mới đây, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, sẽ đề xuất tăng lãi suất 0,25% trong phiên họp chính sách tháng 3 tới. Chủ tịch Fed cũng cho biết, đã sẵn sàng nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này nhằm hạ nhiệt lạm phát. Xung đột Nga - Ukraine làm gia tăng bất ổn kinh tế, song không thể khiến Fed rời khỏi lộ trình tăng lãi suất của mình.
“Fed đã sẵn sàng sử dụng tăng lãi suất với mức độ mạnh hơn, tần suất thường xuyên hơn nếu lạm phát không giảm”, ông Jerome Powell nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dù thế giới có nhiều biến động, nhưng năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có một số cổ phiếu nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân, như PLX, HVN, VCI.
Lý giải rõ hơn, ông Quang cho biết, với PLX, hiện giá dầu đang giữ ở mức giá cao trong khi PLX là doanh nghiệp ngành dầu khí có trữ lượng hàng lớn nhất sẽ tạo điều kiện tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2022.
Còn với HVN, tuy kết quả kinh doanh trước đó HVN bị ảnh hưởng khá nhiều do đại dịch, nhưng với độ phủ mũi tiêm vaccine cũng như thuốc trị covid thì năm 2022 ngành hàng không sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Với VCI, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường rất tiềm năng trong khu vực cũng như trên thế giới, thị trường chúng ta còn rất nhiều dư địa phát triển điều đó sẽ tạo thuận lợi cho ngành chứng khoán cũng như VCI tăng trưởng vượt trội trong trung và dài hạn.
Với việc mở cửa toàn bộ du lịch từ ngày 15/3 tới đây, ngành hàng không sẽ được hưởng lợi lớn. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trao đổi với phóng viên về cơ hội cho các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại, đại diện CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, trong nước, nền kinh tế hồi phục từ vùng đáy với sự mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngành nghề sẽ phục hồi mở ra nhiều cơ hội đầu tư nhưng phần nào cũng phân tán dòng tiền qua đó tránh đà tăng nóng tại một số ngành nghề như trong năm 2021.
Những ngành dự kiến có sự phục hồi và tăng trưởng tốt trong năm 2022 gồm tài chính, tiêu dùng, bán lẻ, xuất khẩu, tiện ích… Ngoài ra, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực lên một số ngành nghề như xây dựng hạ tầng, nguyên vật liệu và ảnh hưởng gián tiếp đến xây dựng và bất động sản.
Về quốc tế, cuộc xung đột Nga - Ukraina đang làm trầm trọng thêm mức tăng giá của các loại nguyên vật liệu, trong đó đáng kể nhất là giá dầu. Giá dầu tăng mạnh trở lại vùng đỉnh cách đây 10 năm và chưa có dấu hiệu giảm lại đang mở ra cơ hội đầu tư nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, phân bón, hóa chất và logistic.
"Nhìn chung trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hồi phục thì nhiều cơ hội đang xuất hiện nhưng sự phân hóa sẽ lớn dần khi các quốc gia đang thu hẹp và chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như hậu quả của xung đột địa chính trị. Hoạt động giao dịch nhanh tại một số ngành hưởng lợi từ biến động trong và ngoài nước như đề cập ở trên vẫn là chủ đạo trước khi có thể định hình một xu hướng và vận động rõ ràng với một số ngành nghề như năm 2021", đại diện BSC nhấn mạnh.
Từ một góc nhìn khác, theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Với thị trường trong nước, bà Hiền cho rằng, Việt Nam vẫn có khả năng kiểm soát tốt lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Cùng với đó là việc Chính phủ đang đẩy mạnh kích thích, phục hồi kinh tế, mở cửa du lịch, hàng không và tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế và thị trường trong thời gian tới.
“Chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn, và nếu có những phiên điều chỉnh mạnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu. Trong trung và dài hạn, triển vọng thị trường vẫn khá lạc quan nhờ nền kinh tế tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2022 - 2023 và định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn trong trung hạn”, bà Hiền nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng thị trường, cơ hội cho các nhà đầu tư, bà Hiền cho cho rằng, Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lớn về dầu khí, sắt thép, phân bón do đó cuộc khủng hoảng có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm giá các mặt hàng neo ở mức cao trong ngắn hạn. Do đó, một số cổ phiếu thuộc ngành dầu khí, sắt thép, phân bón sẽ được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa neo ở mức cao và nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng này gia tăng.
Bên cạnh đó, triển vọng với ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được đánh giá tích cực với, khi dòng vốn FDI có xu hướng quay trở lại Việt Nam mạnh mẽ và ngành bán lẻ nhờ sức cầu trong nước dần phục hồi sau giai đoạn giãn cách xã hội.
Nguyễn Thành/ĐTCK
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam