Chia sẻ tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học (theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng), biện pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo.
Theo đó, có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8-9/2024.
Để có được những kết quả tích cực trên, từ cuối năm 2023, NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Theo quy định tại quyết định này, từ ngày 1/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp. Đối với những khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất, cũng bắt buộc phải xác thực lại dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.
Theo NHNN, mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Về bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Như vậy, với những kết quả đạt được như trên, có thể thấy, Quyết định 2345/QĐ-NHNN đang đi đúng hướng trong việc bảo vệ các giao dịch trực tuyến là chính chủ, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Nhằm gia tăng thêm các biện pháp bảo vệ khách hàng trong các giao dịch trực tuyến, cuối tháng 6/2024 vừa qua, NHNN đã liên tiếp ban hành 2 thông tư mới quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và hoạt động thẻ, cụ thể: Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17); Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 18).
Theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18 của NHNN, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch nếu giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hạn hiệu lực và/hoặc khách hàng chưa thực hiện thu thập sinh trắc học. Cụ thể các quy định như sau:
Tại Thông tư 17: điểm c, khoản 5, Điều 17 quy định: "Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức)" có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với tài khoản cá nhân và từ ngày 1/7/2025 với tài khoản tổ chức và;
Khoản 3 Điều 19 quy định: "Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân (1) của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng" có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tại Thông tư 18: khoản 6 Điều 16 quy định: “Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ” – hiệu lực từ ngày 1/1/2025;
Điểm q khoản 1 Điều 18 quy định: “Tổ chức phát hành thẻ phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung; tạm dừng giao dịch thẻ với các trường hợp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực”. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Có thể thấy, với các quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18, NHNN tiếp tục gia tăng thêm các lớp bảo vệ, tăng cường mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và dịch vụ thẻ ngân hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Chú thích: (1) Theo quy định tại Thông tư 15/2024/TT-NHNN quy định giấy tờ tùy thân bao gồm thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước giấy chứng nhận căn cước, giấy chứng minh nhân dân còn thời hạn, căn cước điện tử (đối với trường hợp khách hàng có tài khoản định danh điện tử mức độ 02); đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, bao gồm hộ chiếu và thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ có giá trị thay thị thực hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh hoặc danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện từ mức độ 2) (nếu có).
Đoàn Hằng