Công ty CP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến diễn ra ngày 26/4 tại TP HCM.
HĐQT đánh giá năm 2024 vẫn là một năm rất khó khăn cho ngành thép - tôn mạ. Ở bối cảnh nước ngoài, xung đột địa chính trị vẫn đang tiếp diễn, lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao và sự canh tranh gay gắt đến từ các đối thủ sẽ là những trở ngại chính đối với sự phục hồi của Nam Kim.
Với thị trường nội địa, sức mua của người dân vẫn đang là dấu hỏi, trong khi thị trường bất động sản cần thời gian để ngấm các chính sách hỗ trợ, HĐQT cho rằng con đường phục hồi của Nam Kim trong năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.
Thép Nam Kim vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2024 |
Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng sản lượng 1 triệu tấn. Mục tiêu doanh thu là 21.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 420 tỷ; tăng lần lượt 13% và 137% so với năm ngoái. Nam Kim dự kiến trình ĐHĐCĐ không chi trả cổ tức năm 2023. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty.
Tại buổi họp tới, Nam Kim dự kiến trình cổ đông phương án chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 tức cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền mua cổ phiếu, cổ đông sở hữu 2 quyền mua sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới.
Giá chào bán là 12.000 đồng/cp, bằng một nửa giá cổ phiếu NKG chốt phiên 5/4 (24.450 đồng/cp). Trong đó, 1.580 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán sẽ được góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư Dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 7/4/2022, HĐQT đã thông qua chủ trương thành lập Công ty con (Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ) và đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ. Dự án đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cấp lần đầu ngày 6/2/2024.
Dự án sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại, sản xuất các loại tôn thép: tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang. Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.350 tỷ đồng còn vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 3.150 tỷ đồng.
Nam Kim cho biết tiến độ thực hiện dự án đến 31/3 là đã góp vốn 500 tỷ để thực hiện dự án và đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Dự án dự kiến sẽ khởi công từ quý II/2024. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 và/hoặc 2025 và cùng thời điểm chốt quyền nhận cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, Nam Kim đề xuất phương án phát hành hơn 52,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực quyền 100:20 tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm, cổ đông sở hữu 100 quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ thặng dư vốn cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán năm 2023 của công ty.
Ngoài ra, Nam Kim dự kiến phát hành tối đa 2,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, bằng 41% giá cổ phiếu NKG trên thị trường. 50% số cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số cổ phiếu còn lại bị hạn chế chuyển nhượng hai năm.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 và/hoặc 2025, sau khi nhận được thông báo của UBCKNN về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.
Nhìn lại kết quả kinh doanh, Thép Nam Kim báo lãi ròng 117 tỷ đồng trong năm 2023; trong khi năm trước ghi nhận lỗ gần 125 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 93% mục tiêu doanh thu và 44% mục tiêu lợi nhuận năm 2023.
Như vậy, với kết quả này, có thể đánh giá công ty đã không hoàn thành mục tiêu được thông qua tại đại hội đồng cổ đồng thường niên. Khi đó, Thép Nam Kim đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 400 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 106,91 tỷ đồng, tức tăng thêm 506,91 tỷ đồng. Trong đó, ước tính tổng sản lượng là 940.000 tấn.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Thép Nam Kim đạt hơn 12.235 tỷ đồng, giảm 9% so với hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do hàng tồn kho giảm 18% so với hồi đầu năm, còn 5.718 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng giảm 61%, chỉ còn hơn 130 tỷ đồng.
Đánh giá về cơ cấu nguồn vốn, tính đến hết năm 2023, tổng nợ phải trả của Thép Nam Kim đã giảm 16%, còn 6.812 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này chỉ phát sinh dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với giá trị là 4.767 tỷ đồng, giảm gần 7% so với hồi đầu năm. Thép Nam Kim hiện thuộc nhóm doanh nghiệp thép niêm yết chịu áp lực nợ vay thấp nhất.
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán DSC, Thép Nam Kim đã lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhà máy này có công suất dự kiến là 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Ban đầu, nhà máy dự kiến xây dựng vào quý 4/2022 với tỷ lệ vốn chủ - nợ vay là 50:50.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty quyết định tạm dừng triển khai dự án do những lo ngại liên quan tới sản lượng tiêu thụ thấp. Việc xây dựng nhà máy sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài trong ba giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn) đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của công ty. DSC cho rằng, dự án này đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh thu của Nam Kim trong thời gian tới nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp trong nước, từ đó giúp ổn định biên lợi nhuận.
Triển vọng ngành thép nhìn từ "đầu tàu" Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim Với việc kết quả kinh doanh tạo đáy năm 2023, năm 2024 được coi là bước chạy đà để các doanh nghiệp ngành thép bứt ... |
Tiềm năng của 2 cổ phiếu ngành tôn mạ VNDirect đánh giá cao mức tăng trưởng và khuyến nghị khả quan về tiềm năng tăng giá của hai cổ phiếu ngành tôn mạ HSG ... |
Đo độ hấp dẫn và tiềm năng tăng giá của Thép Nam Kim (NKG) Báo cáo phân tích doanh nghiệp mới đây của MBS, đơn vị này cho rằng sản lượng và giá thép xuất khẩu phục hồi là ... |
Tiểu Vy