Thép Pomina (POM) "chốt deal" bán 20% vốn cho người Nhật, cổ đông mong chờ khúc khải hoàn

14/07/2023 - 23:38
(Bankviet.com) Đại diện Công ty Thép Nansei cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa POM và đối tác Nhật Bản này được ấp ủ từ 9 năm trước, trong một lần gặp gỡ giữa các lãnh đạo doanh nghiệp. Đến nay, Nansei đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản với POM và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán.
Thép Pomina (POM)
Phiên họp Đại hội cổ đông thường niên 2023 của POM.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra sáng 14/7, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) Đỗ Duy Thái cho biết, doanh nghiệp vừa đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei - một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Theo đó, Nansei sẽ tham gia đầu tư vào POM và trở thành cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp. Đồng thời, POM cũng chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp lên mức dưới 65%.

Được biết, Nansei là nhà sản xuất và xuất khẩu thép (kim loại) có trụ sở tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Doanh nghiệp này mới thành lập pháp nhân ở Việt Nam cách đây nửa năm.

Có mặt tại cuộc họp, ông Inafuku Makoto, Chủ tịch Công ty Thép Nansei cho biết mối quan hệ hợp tác giữa Nansei và POM được ấp ủ từ 9 năm trước, trong một lần gặp gỡ với lãnh đạo doanh nghiệp. Đến nay, Nansei đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản với POM và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán.

Về phía POM, Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành 70,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược này để tăng vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn lưu động, chuẩn bị tài chính triển khai việc tái khởi động lò cao vào năm 2024, sau khi bị đóng cửa từ ngày 23/9/2022.

Thương vụ chào bán cổ phiếu riêng lẻ được chia làm 2 đợt, dự kiến trong tháng 8/2023 sẽ phát hành 10,6 triệu cổ phiếu, và đến tháng 9/2024 phát hành nốt 59,6 triệu cổ phiếu còn lại.

Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 45% so với thị giá, tương ứng số tiền huy động 720 tỷ đồng. Cổ phiếu của đối tác Nhật Bản này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm đầu tiên.

Sau khi hoàn tất, dự kiến vốn điều lệ của POM tăng lên gần 3.500 tỷ đồng. Về lâu dài, định hướng của doanh nghiệp là đầu tư theo chiều sâu, theo hướng phát triển bền vững. Với thâm niên lâu năm trong ngành, POM hiện là một trong số ít những nhà sản xuất sở hữu chuỗi công nghệ luyện thép Consteel, hoàn toàn khép kín và đồng bộ.

Thông tin trên là động lực giúp cổ phiếu POM có phiên tăng kịch biên độ lên 7.390 đồng/cp, phát đi tín hiệu "khải hoàn" cho cổ đông thêm vững tin sau một năm thị giá liên tục trượt dốc, có thời điểm giảm sâu chỉ còn 3.400 đồng/cp.

Về kế hoạch cho năm 2023, POM thông qua doanh thu mục tiêu 9.000 tỷ đồng, lỗ sau thuế 150 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 1.079 tỷ đồng). Theo POM, do hoạt động của doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu là chủ yếu, trong khi đầu ra xuất khẩu chỉ chiếm 15%, vì thế nếu trong năm 2023 tỷ giá tăng mạnh sẽ gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh.

Dù vẫn còn nhiều thách thức, song lãnh đạo POM nhấn mạnh khó khăn nhất của ngành đã đi qua, khi nhu cầu từ các công trình đầu tư công tăng thúc đẩy tăng tiêu thụ thép.

Chưa kể, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục vào có khả năng bắt đầu trở lại vào 6 tháng cuối năm - đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngành nói chung và POM nói riêng.

HPG lập đỉnh đưa ông Trần Đình Long thành người giàu nhất TTCK, cổ phiếu thép sắp "sang trang"?

Thời gian gần đây, cổ phiếu HPG cùng nhiều mã khác của nhóm thép đồng loạt bật tăng mạnh mẽ, cùng với đó là các ...

Em gái Chủ tịch Thép Pomina muốn bán 5,5 triệu cổ phiếu POM

Bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) đăng ký bán 5,5 triệu ...

POM bất ngờ tăng trần sau khi Thép POMINA thông qua nghị quyết chào bán cổ phiếu riêng lẻ

Sáng ngày 14/7, Công ty CP Thép POMINA vừa ra thông báo chính thức thông qua nghị quyết chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trước ...

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán