Thép Tiến Lên lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn, "mắc kẹt" ở cổ phiếu VND và DGC

02/02/2025 - 13:29
(Bankviet.com) Thép Tiến Lên báo lỗ kỷ lục 585,94 tỷ đồng trong năm 2024, xóa sạch lãi lũy kế và ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm nặng. Công ty đầu tư chứng khoán nhưng kém hiệu quả, lỗ 5,5 tỷ đồng, đặc biệt ở các mã VND, DGC. Bản thân cổ phiếu TLH cũng đang có xu hướng lao dốc về vùng trà đá với chỉ 4.360 đồng/cổ phiếu.

Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với kết quả kém khả quan. Trong quý IV, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.777,1 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận mức lỗ 316,69 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 12,54 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do công ty kinh doanh dưới giá vốn, khiến lợi nhuận gộp âm tới 209 tỷ đồng.

Thép Tiến Lên lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn,
Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 30,5% lên 10,7 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lại tăng 42,5%, tương đương tăng thêm 14,41 tỷ đồng lên 48,33 tỷ đồng. Cùng với đó, lỗ từ công ty liên doanh, liên kết cũng tăng mạnh, ghi nhận âm 32,46 tỷ đồng so với mức lỗ 1,03 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 45,4% lên 35,06 tỷ đồng, trong khi các khoản mục khác ít biến động.

Lũy kế cả năm 2024, Thép Tiến Lên đạt doanh thu thuần 6.305,06 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận mức lỗ kỷ lục 585,94 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 3,96 tỷ đồng. Với khoản lỗ này, tính đến cuối năm 2024, công ty đã xóa sạch lãi lũy kế đầu năm 560,7 tỷ đồng và ghi nhận lỗ lũy kế 22,7 tỷ đồng.

Thép Tiến Lên lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn,
Lũy kế cả năm 2024, Thép Tiến Lên đạt doanh thu thuần 6.305,06 tỷ đồng (Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn)

Bên cạnh kết quả kinh doanh bết bát, dòng tiền hoạt động của Thép Tiến Lên cũng rơi vào tình trạng tiêu cực. Trong năm 2024, dòng tiền kinh doanh âm tới 786,15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 318,97 tỷ đồng. Để bù đắp thâm hụt, công ty đã huy động vốn vay khiến dòng tiền tài chính dương 587,9 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ Chứng khoán SSI, năm 2023 công ty vừa ghi nhận dòng tiền dương 318,97 tỷ đồng sau hai năm liên tiếp âm, với mức âm 428 tỷ đồng năm 2021 và âm 189,98 tỷ đồng năm 2022. Tuy nhiên, năm 2024 ghi nhận mức dòng tiền âm kỷ lục, vượt xa mức kém nhất trước đó là năm 2021.

Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của Thép Tiến Lên đạt 3.931,7 tỷ đồng, giảm 4,8% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho chiếm phần lớn với 2.573 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho đã tăng từ 12,5 tỷ đồng đầu năm lên 119,5 tỷ đồng vào cuối năm.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 594,1 tỷ đồng, tài sản cố định ở mức 320,4 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng lên 2.674 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm tới 2.038 tỷ đồng, tương đương 76% tổng nợ.

Thép Tiến Lên lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn,
TLH tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong năm 2024

Đầu tư chứng khoán kém hiệu quả

Không chỉ kinh doanh thép, Thép Tiến Lên còn mở rộng sang đầu tư chứng khoán nhưng kết quả không mấy khả quan. Hiện công ty đang nắm giữ 46,7 tỷ đồng cổ phiếu nhưng ghi nhận khoản lỗ 5,5 tỷ đồng (-12%), trong đó lỗ nặng nhất là mã VND (-2,5 tỷ đồng), tiếp theo là DGC (-0,8 tỷ đồng).

Trước đó, trong năm 2022, công ty từng đầu tư tới 105,6 tỷ đồng vào các mã SHB, VIX, IJC nhưng lỗ tới 62,9 tỷ đồng (-60%). Sau đó, công ty đã cắt lỗ toàn bộ danh mục này trong năm 2023.

Thép Tiến Lên lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn,
Danh mục đầu tư chứng khoán của Thép Tiến Lên trong năm 2024 đang thua lỗ

Thép Tiến Lên là doanh nghiệp lâu đời trong ngành thép, thành lập năm 1988 với tiền thân là một cửa hàng vật liệu xây dựng. Sau khi niêm yết vào năm 2010, công ty từng có giai đoạn tăng trưởng mạnh, nhưng từ năm 2021, kết quả kinh doanh dần đi xuống.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TLH từng đạt đỉnh 21.000 đồng/cp vào năm 2021, đưa vốn hóa công ty vượt 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá cổ phiếu liên tục lao dốc. Kết phiên ngày 24/1/2025, TLH chỉ còn 4.360 đồng/cp, vốn hóa giảm mạnh xuống còn 490 tỷ đồng.

Gang thép Thái Nguyên bứt phá quý IV, bức tranh cả năm 2024 vẫn chưa hết u ám

Gang thép Thái Nguyên ghi nhận lợi nhuận quý IV/2024 tăng gấp 4 lần, đạt 74 tỷ đồng, nhờ tối ưu chi phí và hoàn ...

Ngành thép được dự báo tăng trưởng mạnh, tiên phong gọi tên Hoà Phát, Hoa Sen

Năm 2025, ngành thép Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng 10,6% nhờ đẩy mạnh đầu tư công và sự phục hồi của bất động sản. ...

Hoà Phát rót hơn 60.000 tỷ đồng vào siêu dự án Dung Quất 2

Việc tăng tốc triển khai dự án Dung Quất 2 đã khiến nợ vay của Hòa Phát tăng lên mức cao kỷ lục. Phân kỳ ...

Lưu Lâm

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán