Hoá giải ''cơn khát'' vàng - Bài 3: Kinh nghiệm quốc tế và thách thức cho Việt Nam Tính đến mô hình sàn giao dịch vàng để ngăn vàng hóa nền kinh tế Giá vàng đã được kiểm soát, hạn chế tình trạng đầu cơ |
Loạn tình trạng vàng “2 giá”
Đầu giờ sáng 11/7, giá vàng 9999 của SJC không đổi so với kết phiên giao dịch hôm qua, duy trì ở mức 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng nhẫn trong nước được điều chỉnh tăng nhẹ. Giá vàng nhẫn được các thương hiệu điều chỉnh tăng 50.000-100.000 đồng mỗi lượng so với mức đóng cửa hôm qua.
Kể từ cuối năm 2023 đến đầu tháng 6/2024, thị trường vàng trong nước chứng kiến nhiều biến động mạnh mẽ với mức giá liên tục tăng cao, phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử. Giá vàng đạt đỉnh vào tháng 5 với mức hơn 92,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng liên tục giảm và hiện chỉ còn quanh mốc 76,98 triệu đồng/lượng, "bốc hơi" gần 16 triệu đồng so với đỉnh điểm, tương đương mức giảm khoảng 18%.
Thị trường vàng trong nước chứng kiến nhiều biến động mạnh mẽ với mức giá liên tục tăng cao. Ảnh: VnExpress |
So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước hiện nay chỉ cao hơn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng, một con số khá thấp so với mức chênh lệch 16 - 20 triệu đồng/lượng vài tháng trước đây.
Diễn biến này được cho là kết quả từ một loạt biện pháp điều chỉnh thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm bình ổn giá. Các chuyên gia đánh giá cao hiệu quả của các biện pháp này, góp phần đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường vàng Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được giải quyết.
Cụ thể, 5 đơn vị bán vàng bình ổn gồm: Công ty Vàng SJC, 4 ngân hàng quốc doanh gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank đều đã chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến do lượng người mua vàng quá đông; tình trạng thuê người xếp hàng, mua gom vàng nhằm đẩy giá gia tăng; nhiều người không mua được thúc đẩy thêm tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc mua vàng khó khăn khiến nhiều người phải tìm đến thị trường "chợ đen" với giá cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng "2 giá" cho vàng: Giá công khai tại thị trường và giá "chợ đen". Ghi nhận thực tế, việc mua vàng đang ngày càng trở nên khó khăn đối với nhiều người dân, thậm chí, vì không mua được vàng miếng, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn.
Chị Hồng Vân (phố Nguyên Hồng- Đống Đa- Hà Nội) cho biết “Vì thị trường vàng miếng đang khó mua, tôi chuyển hướng mua thêm vàng nhẫn, tôi nghĩ giá vàng nhẫn sẽ tăng cao thêm nên có điều kiện là tôi mua luôn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân khó mua vàng có thể dẫn đến tình trạng lạm phát "đóng", khi mà tiền mặt không có kênh trú ẩn hiệu quả.
Việc giá vàng "bốc hơi" và khó khăn trong việc mua vàng là một vấn đề cần được quan tâm giải quyết. NHNN cần tiếp tục có những biện pháp điều chỉnh thị trường vàng hiệu quả hơn để đảm bảo sự ổn định và minh bạch cho thị trường, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần cân nhắc cẩn thận khi đầu tư vào vàng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động mạnh và nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Huy động vàng trong dân để bình ổn?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường vàng Việt Nam hiện nay đang hoạt động chưa hiệu quả và cần có những thay đổi căn bản để đảm bảo sự phát triển bền vững. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là cần thay đổi quan điểm về thị trường vàng, từ chỗ xem đây là kênh đầu tư truyền thống sang một thị trường tài chính hoặc hàng hóa phái sinh.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho rằng: "Chúng ta phải quan niệm thị trường vàng gắn với thị trường tài chính hay hàng hóa phái sinh. Trung Quốc hay Thái Lan đã triển khai những vấn đề này. Chính điều này khiến cho người dân không phải lưu luyến quá nhiều khi phải nắm một lượng vàng bao nhiêu. Nếu có được thị trường đó thì có thể huy động lượng vàng từ người dân".
Việc thành lập một thị trường vàng phái sinh sẽ giúp cho người dân có thêm nhiều lựa chọn đầu tư hơn, đồng thời cũng giúp cho Ngân hàng Nhà nước dễ dàng quản lý thị trường vàng hơn. Hiện nay, Việt Nam đã có các sàn hàng hóa như sàn cà phê, sàn cá tra do Bộ Công Thương quản lý. Do đó, việc thành lập một thị trường vàng phái sinh cũng hoàn toàn khả thi.
Một giải pháp khác được các chuyên gia đề xuất là phát triển thị trường tín chỉ vàng. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) nêu ý kiến “Một số quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ bán cho người dân tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dự trữ ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương”. Với các giải pháp này, thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn.
Theo vị chuyên gia, thay vì Nhà nước cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất thì nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất nho nhỏ. Như vậy, ngân hàng trung ương có thể tính toán được và trả lời cho câu hỏi của các chuyên gia về số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, dự trữ ngoại hối Việt Nam không nhiều và nền kinh tế cũng đang cần rất nhiều nguồn vốn để ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, thay vì ổn định thị trường vàng.
“Việc dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng phải trả giá quá cao. Vàng không phải là hàng hóa thiết yếu. Không có vàng thì người dân vẫn sống được. Do vậy, cần phải cân nhắc lại tầm quan trọng của việc đối xử với thị trường vàng như thế nào” – ông nói.
Với giải pháp này, người dân vẫn có thể đầu tư vào vàng mà không cần phải nắm giữ vàng vật chất. Điều này sẽ giúp giảm bớt nhu cầu về vàng vật chất, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần có những quy định khuyến khích người dân gửi vàng cho ngân hàng trung ương. Việc này sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước có thể nắm được số lượng vàng thực sự trong dân, thêm nguồn dự trữ ngoại hối, đồng thời góp phần giảm thiểu lượng vàng lưu thông trên thị trường và có những biện pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn.
Nhìn chung, thị trường vàng Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc thay đổi quan điểm về thị trường vàng, phát triển thị trường vàng phái sinh và thị trường tín chỉ vàng, đồng thời khuyến khích người dân gửi vàng cho ngân hàng trung ương là những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.