Thị trường bất động sản Trung Quốc khó phục hồi trong năm 2024

19/03/2024 - 23:22
(Bankviet.com) Lĩnh vực bất động sản chưa có nhiều cải thiện trong khi nền kinh tế đang dần ổn định và Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy ngành này.
Phục hồi yếu ớt, kinh tế Trung Quốc cần thêm những “phép màu” Bất động sản Trung Quốc: Những “bài học” hiệu quả cho Việt Nam

Doanh thu bất động sản tiếp tục giảm sâu

Theo CNN đưa tin, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố doanh số bán bất động sản của nước này trong hai tháng đầu năm nay mới đạt tổng cộng 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 147 tỷ USD), giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 9%, nhanh hơn mức giảm 5,7% được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường bất động sản Trung Quốc khó phục hồi trong năm 2024
Các tòa nhà cao tầng ở thành phố ven biển Thanh Đảo của Trung Quốc (Ảnh: CNN)

Đánh giá về vấn đề này, các nhà phân tích của Capital Economics cho biết: “Sự điều chỉnh trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản vẫn đang ở giai đoạn đầu. Chúng tôi dự kiến ​​lượng xây dựng trong lĩnh vực bất động sản sẽ giảm một nửa trong những năm tới. Điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn bị giảm đáng kể”.

Cần các chính sách hỗ trợ để duy trì phát triển kinh tế

Tuy nhiên, các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc bao gồm: Tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng… đã có dấu hiệu cải thiện nhờ bùng nổ chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ, lượng xuất khẩu lớn và sự thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng do nhà nước lãnh đạo.

Kết quả từ cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích Reuters cho thấy, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã tăng 5,5% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự kiến là 5,2%​​​. Trong đó, dịch vụ ăn uống, viễn thông, thuốc lá, thể thao và giải trí có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất.

Bà Louise Loo, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Oxford Economics đánh giá: “Doanh số bán lẻ đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên vẫn chưa thể chắc chắn tín hiệu tích cực này sẽ kéo dài. Có thể, do người tiêu dùng gia tăng mức độ chi tiêu liên quan đến lễ hội vào dịp đầu năm”.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực ở mức 7% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023, vượt qua dự báo tăng trưởng 5% tại cuộc thăm dò của Reuters.

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global và Caixin cho biết, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tập trung vào các công ty sản xuất định hướng xuất khẩu Trung Quốc đã tăng lên 50,9 điểm trong tháng 2 so với 50,8 điểm trong tháng 1. Điều này đã đánh dấu tháng thứ tư tăng trưởng liên tiếp.

Nhu cầu xuất khẩu tăng cao đã thúc đẩy lượng sản xuất của các nhà máy. Theo số liệu từ hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nước này đã tăng 7,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, đầu tư vào tài sản cố định như nhà máy, đường sá và mạng lưới điện đã tăng 4,2% trong hai tháng đầu năm nay. Mức tăng trưởng này đã vượt qua ước tính của giới chuyên gia.

Theo phân tích dữ liệu của NBS, sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi vốn đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, suy thoái bất động sản và nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, đòi hỏi phải có thêm hỗ trợ chính sách để duy trì tăng trưởng.

Bà Louise Loo cho biết thêm: “Nếu không có biện pháp kích thích tiêu dùng mang tính quyết định trong năm 2024, chúng tôi cho rằng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng chi tiêu”.

Bên cạnh đó ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cũng nhận định: “Triển vọng phát triển kinh tế quý II năm 2024 của Trung Quốc chưa thực sự chắc chắn. Nếu xuất khẩu bù đắp một phần động lực yếu kém trong nước, thì sự phục hồi bền vững đòi hỏi nhiều hỗ trợ chính sách hơn, đặc biệt là từ khía cạnh tài chính”.

Linh Chi

Theo: Báo Công Thương