Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với kết quả không mấy khả quan. Lợi nhuận ròng của công ty giảm mạnh tới 61% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được xác định là tình trạng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xi măng khi các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực giành thị phần bằng cách hạ giá bán và điều chỉnh chính sách bán hàng.
Những khó khăn mà các doanh nghiệp xi măng đang phải đối mặt đã được dự đoán từ trước |
Trong kỳ, mặc dù doanh thu thuần quý 4 đạt 1.843 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và lợi nhuận gộp tăng 14% lên hơn 204 tỷ đồng nhờ giá vốn giảm, nhưng điều này không đủ bù đắp chi phí ngày càng gia tăng. Tổng chi phí trong kỳ chạm mốc 156 tỷ đồng, tăng 12%. Bên cạnh đó, khoản chi phí tài trợ hơn 14 tỷ đồng càng làm giảm đáng kể lợi nhuận ròng.
Ban lãnh đạo HT1 thừa nhận rằng nguồn cung dư thừa đã khiến thị trường xi măng rơi vào thế cạnh tranh không khoan nhượng. Việc các công ty đồng loạt giảm giá và cải thiện chính sách bán hàng để gia tăng sản lượng tiêu thụ đã tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong việc quản lý tài chính và vận hành, HT1 vẫn ghi nhận lãi ròng cả năm 2024 đạt 65 tỷ đồng, tăng mạnh 3,6 lần so với năm trước. Doanh thu cả năm đạt hơn 6.884 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% nhưng vẫn hoàn thành 98% kế hoạch năm và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Tổng tài sản của HT1 đến cuối năm 2024 giảm gần 5%, xuống còn hơn 8.222 tỷ đồng. Một điểm sáng là khoản tiền và tương đương tiền tăng 40% lên gần 850 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho giảm mạnh 24%, chỉ còn hơn 646 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm 50%, xuống hơn 526 tỷ đồng, do công ty không còn ghi nhận chi phí cho dự án đường B.O.T Phú Hữu – dự án đã kéo dài gần 10 năm và mới bắt đầu thu phí hoàn vốn từ quý 3/2024. Sau khi hoàn tất dự án này, HT1 khẳng định sẽ không tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Về nợ phải trả, công ty ghi nhận mức giảm 12% so với đầu năm, còn hơn 3.342 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính giảm 4%, chiếm 45% tổng nợ, tương ứng hơn 1.500 tỷ đồng.
Khó khăn đã được lường trước
Trên thực tế, những khó khăn mà các doanh nghiệp xi măng đang phải đối mặt đã được dự đoán từ trước. Các doanh nghiệp trong ngành đều dự báo nhu cầu xi măng khó có sự tăng trưởng đột phá khi nguồn cung vượt cầu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, xu hướng chuyển đổi từ xi măng bao sang xi măng rời ngày càng tăng, làm giảm hiệu quả kinh doanh của các công ty do giá trị thương hiệu chủ yếu gắn liền với xi măng bao.
Không chỉ gặp khó trong nước, thị trường xuất khẩu cũng chưa có dấu hiệu phục hồi do suy thoái kinh tế toàn cầu. Giao thương bị ảnh hưởng bởi các vấn đề logistics và thiên tai, khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 20,55 triệu tấn xi măng và clinker, đạt 788,8 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân giảm 11,6%, chỉ còn 38,4 USD/tấn.
Đặc biệt, thị trường Philippines – điểm đến lớn nhất của xi măng clinker Việt Nam – ghi nhận sự suy giảm đáng kể. Trong 8 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu sang đây giảm 1,8%, giá trị giảm 13%, và giá trung bình giảm 11,4% so với năm 2023. Bên cạnh đó, việc Đài Loan (Trung Quốc) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clinker từ Việt Nam vào tháng 8 vừa qua cũng được dự báo sẽ làm phức tạp thêm tình hình xuất khẩu.
Dù vậy, một tín hiệu lạc quan đến từ các dự án hạ tầng lớn được Chính phủ đẩy mạnh triển khai. Việc giải ngân 2,5 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long hay các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam hứa hẹn sẽ kích cầu đáng kể cho ngành xi măng.
Ngoài ra, Trung Quốc – một trong những quốc gia xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới – dự kiến giới hạn công suất clinker ở mức 1,8 tỷ tấn đến cuối năm 2025 và loại bỏ công nghệ lạc hậu. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xi măng Việt Nam tìm kiếm thị trường mới, cải thiện giá bán trong dài hạn. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo bước đệm tích cực cho ngành vào đầu năm 2025.
Những điểm mới thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) Luật Điện lực (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm lớn từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và công chúng. Để tiếp ... |
Sara Việt Nam (SRA) "dấn thân" vào thị trường xét nghiệm đầy cạnh tranh Sara Việt Nam vừa công bố kế hoạch đầu tư gần 148 tỷ đồng để mở rộng chuỗi trung tâm xét nghiệm Golab và phòng ... |
Thu Hà