Cổ phiếu ngân hàng nào là quán quân tăng giá sau 9 tháng đầu năm? Trong 9 tháng, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân là mã tăng mạnh nhất toàn ngành với mức tăng trưởng đạt 170%. Cổ phiếu ghi nhận đà tăng mạnh kể từ nửa cuối tháng 7, trước những thông tin về việc bà Bùi Thị Thanh Hương, nguyên Tổng Giám đốc Sun Group được bổ nhiệm vào ghế Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. Hồi đầu tháng 9, cổ phiếu này từng lên cao kỷ lục tới mức giá 34.700 đồng/cp, tức tăng 247% so với đầu năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu NVB đã liên tiếp điều chỉnh giảm, xuống còn 27.100 đồng/cp kết phiên 30/9. Xếp sau đó là cổ phiếu VPB của VPBank với mức tăng hơn 103%. Cổ phiếu này đã liên tục giảm mạnh trong tháng 7, song đã dần hồi phục trong hai tháng còn lại của quý III. Kết phiên 30/9, giá cổ phiếu VPB dừng ở mức 67.500 đồng/cp, chỉ còn thấp hơn gần 7% so với đỉnh cũ.
Loạt Thành viên HĐQT Sametel nộp đơn từ nhiệm, giá cổ phiếu đảo chiều: CTCP Sametel (HNX: SMT) vừa thông báo đã nhận được 3 đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và 1 đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Ban kiểm soát. Cụ thể, các Thành viên HĐQT nộp đơn từ nhiệm là ông Phạm Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐQT, ông Lê Văn Minh và ông Nguyễn Trần Hiếu. Bên cạnh đó, Thành viên BKS là ông Phạm Quốc Việt cũng muốn từ nhiệm. Được biết, Chủ tịch Tuấn từ nhiệm với lý do là Công ty SMT đã có nhiều sự thay đổi lớn, để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư mới trong việc quản trị Công ty. 3 vị lãnh đạo còn lại cùng chung lý do là không sắp xếp được thời gian để tiếp tục nhiệm vụ này. Đáng chú ý, sau thời gian tăng mạnh thiết lập đỉnh tại phiên 21/09 (44.000 đồng/cp), giá cổ phiếu SMT liền lao dốc không phanh. Tuy nhiên, sau 6 phiên nằm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu bất ngờ tăng kịch trần lên mức 25.800 đồng/cp (chốt phiên 30/09), tăng gần 10%, khối lượng giao dịch đạt 159.050 cp.
HSC chuẩn bị chào bán hơn 152,5 triệu cp ra công chúng: Nhằm bổ sung vốn cho hoạt động vay ký quỹ, bảo lãnh phát hành và tự doanh, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) chuẩn bị phát hành hơn 152,5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 14,000 đồng/cp theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 2:1 (1 cp được hưởng 1 quyền, 2 quyền sẽ được mua 1 cp mới). Nếu chào bán thành công, HSC có thể huy động được số tiền hơn 2.135 tỷ đồng. Trong trường hợp không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu, HĐQT HSC sẽ lựa chọn bán cho nhà đầu tư khác với giá bán không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu. Ngày 12/10/2021 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền cho đợt chào bán này.
HPG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng hơn 180 tỷ đồng phiên cuối tháng 9: Giao dịch của khối ngoại ngày 30/9 vẫn khá tiêu cực khi dòng vốn này tiếp tục bán ròng trên HoSE và UPCoM, trong khi chỉ mua ròng nhẹ ở HNX. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 27,6 triệu cổ phiếu, trị giá 1.296 tỷ đồng, trong khi bán ra 34 triệu cổ phiếu, trị giá 1.466 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 6,56 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 171 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 180 tỷ đồng, giảm 65% so với phiên trước, tương ứng khối lượng 6,9 triệu cổ phiếu. HPG bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất với 183 tỷ đồng. VCB đứng sau với giá trị bán ròng là 79 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 bị bán ròng 52 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với 82 tỷ đồng. HSG cũng được mua ròng 63 tỷ đồng.
Mía Đường Sơn La sắp trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 80%: CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) thông báo 11/10 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức niên độ 2020-2021. SLS vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 22/09/2021. Cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức niên độ 2020-2021 với tỷ lệ 80%, tương ứng trên 78 tỷ đồng. Lãi sau thuế còn lại chưa phân phối chuyển qua niên độ sau đạt 418 tỷ đồng. SLS dự kiến thanh toán cổ tức tiền mặt niên độ 2021-2021 vào 26/10. Ngày đăng ký cuối cùng vào 11/10. Tỷ lệ thực hiện đạt 80% cao nhất trong 3 năm gần đây của SLS. Cho niên độ mới 2021-2022 (từ 01/07/2021-30/06/2022), SLS đặt mục tiêu tổng doanh thu 1,037 tỷ đồng và lãi sau thuế 75 tỷ đồng. Mức lợi nhuận dự kiến sụt giảm đến 54% so với kết quả niên độ 2020-2021. Tỷ lệ chia cổ tức vào mức 30%/vốn điều lệ.
Khải Hoàn Land thế chấp 42 triệu cổ phiếu KHG để huy động 300 tỷ đồng trái phiếu: Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (Mã: KHG) vừa thông qua phương án phát hành tối đa 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ nhằm huy động vốn, tăng quy mô vốn hoạt động và bổ sung vốn cho các dự án đầu tư. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất cố định và được bảo đảm bằng 42 triệu cổ phiếu KHG thuộc sở hữu của các cổ đông công ty (tương ứng 24% vốn điều lệ). Bên cạnh đó, trái phiếu được bảo lãnh thanh toán bởi Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn và ông Nguyễn Khải Hoàn, Chủ tịch HĐQT công ty. Tính đến cuối tháng 6, quy mô nguồn vốn của Khải Hoàn Land ở mức 2.692 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ đi vay là 411 tỷ đồng, toàn bộ là vay qua kênh trái phiếu ngắn và dài hạn với lãi suất từ 11% đến 12%/năm.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam