Thị trường chứng khoán ngày 3/11/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

03/11/2023 - 14:29
(Bankviet.com) Sắc xanh, tím chủ đạo, VN-Index bùng nổ bất ngờ; Cổ phiếu Hải Phát thoát diện cảnh báo từ ngày 3/11; Cổ phiếu Novaland sắp ra khỏi diện cảnh báo;... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 3/11/2023.

Sắc xanh, tím chủ đạo, VN-Index bùng nổ bất ngờ: Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, chỉ số VN-Index "bùng nổ" với 516 mã xanh và 31 mã đỏ. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 35,81 điểm (+3,44%) lên 1.075,47 điểm. Thanh khoản thị trường có cải phiện so với phiên ngày hôm qua, tương đương 14,6 nghìn tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhịp tăng của nhóm HNX30 gây ra nhiều tác động tới chỉ số chung trong cuối phiên. Chốt phiên giao dịch 2/11, số lượng mã xanh tiêp tục chiếm ưu thế, chỉ số HNX-Index tăng 8,32 điểm (+3,97%) và tiến về vùng 217 điểm với thanh khoản đạt trên 126 triệu đơn vị, tương đương 2.179 tỷ đồng. Trên UPCoM, dòng tiền đã có sự phân hóa rõ ràng. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 2,27 điểm (+2,78%) lên 83,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 47,1 triệu đơn vị, giá trị khoảng 668 tỷ đồng.

Tại nhóm VN30, GVRSAB là 2 mã đóng cửa trong sắc tím. Cùng chiều, SSI, MSN, MWG,.. đồng loạt tăng trên 5%. Đáng chú ý, chỉ trước đó 1 phiên, dòng tiền đã ồ ạt tháo chạy sau khi MWG ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc. Cuối cùng, bộ 3 cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup đồng loạt xác nhận hỗ trợ dài hạn khi tăng mạnh trong hôm nay. Tại nhóm chứng khoán, dòng tiền tiếp tục đổ bộ đã đẩy các cổ phiếu như VIX, VCI, VND, HHS, FTS, CTS, AGR, đồng loạt tăng trần với thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên. Cùng chiều với nhóm chứng khoán, nhóm sắc tím cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu BĐS với đà tăng trần của DIG, HDC, CII, DXG, TCH, SCR. Cuối cùng, dòng thép cũng ghi nhận đà bùng nổ với nhịp tăng trần của 3 ông lớn HPG - HSG - NKG.

Thị trường chứng khoán ngày 3/11/2023: Thông tin trước giờ mở cửa
Ảnh minh họa

Cổ phiếu Hải Phát thoát diện cảnh báo từ ngày 3/11: Sở GDCK TP. HCM vừa có quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 3/11/2023. Nguyên nhân do Công ty đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Cổ phiếu HPX bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 4/7/2023, do Công ty chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022. Đến ngày 11/9, HOSE quyết định chuyển cổ phiếu HPX từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch, thời gian đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9, do Hải Phát chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên, sau khi bị đình chỉ giao dịch, Công ty Đầu tư Hải Phát đã công bố Báo cáo kiểm toán năm 2022, bán niên năm 2023 và Báo cáo tài chính quý III/2023. Mới đây, ngày 31/10, Công ty đã có công văn thông báo khắc phục xong các lỗi vi phạm về công bố thông tin và đề nghị sớm đưa chứng khoán ra khỏi diện cảnh báo. Như vậy, cổ phiếu HPX đã nhận quyết định ra khỏi diện cảnh báo sau 3 ngày có công văn đề nghị. Tuy nhiên, cổ phiếu HPX hiện vẫn thuộc diện đình chỉ giao dịch.

Cổ phiếu Novaland sắp ra khỏi diện cảnh báo: Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) quyết định đưa cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 03/11/2023. Sau thông tin này, giá cổ phiếu NVL tăng trần lên mức 14,000 đồng/cp vào lúc kết phiên 02/11. Lý do HOSE đưa ra là NVL đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. Trước đó, NVL đã gửi văn bản đề xuất đưa cổ phiếu ra khỏi diện bị cảnh báo với lý do Công ty đã tuân thủ các quy định, không phát sinh vi phạm về công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán trong thời gian 6 tháng liên tục. Cổ phiếu NVL bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/04/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Đầu tháng 10, NVL bị phạt tổng cộng 150 triệu đồng do CBTT không đúng thời hạn theo quy định trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HOSE, chậm CBTT trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phân phối chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch Trần Thọ Thắng muốn mua thêm 1 triệu cổ phiếu CKG: Vì nhu cầu cá nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (HOSE: CKG) Trần Thọ Thắng vừa đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu CKG trong thời gian từ 03/11-02/12 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn. Ông Thắng hiện đang nắm giữ gần 8 triệu cổ phiếu CKG, tương ứng tỷ lệ 8,31%. Nếu giao dịch diễn ra thành công, số lượng Chủ tịch CKG nắm giữ sẽ được nâng lên gần 9 triệu cp, chiếm 9,36% vốn điều lệ. Đóng cửa phiên 01/11, giá cổ phiếu CKG dừng ở mức 20.800 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Thắng cần chi khoảng 20 tỷ đồng để hoàn tất việc mua cổ phiếu. Ông Trần Thọ Thắng sinh năm 1965, tại Kiên Giang. Ngoài CKG, ông Thắng còn là Chủ tịch HĐQT của ba công ty, gồm hai công ty con là Công ty CP Vật liệu Xây dựng CIC Thắng Anh, Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc và công ty liên kết là Công ty CP Phát triển Đô thị Kiên Giang (tính đến cuối năm 2022).

VNECO bị bán giải chấp 121.200 cổ phiếu quỹ: Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO, HOSE: VNE) mới thông báo về kết quả bán cổ phiếu quỹ. Cụ thể, Công ty CP Chứng khoán HD đã bán giải chấp 121.200 cổ phiếu VNE theo phương thức khớp lệnh từ ngày 25/10 đến ngày 26/10. Trong 2 phiên này, cổ phiếu VNE có đà giảm mạnh, riêng phiên ngày 25/10 giảm hết biên độ và phiên ngày 26/10 cũng gần “đo sàn” với 6,65%. Sau giao dịch, hiện VNECO còn gần 8,38 triệu cổ phiếu quỹ. Trước đó, loạt lãnh đạo VNECO cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu, trong đó, từ ngày 17/10, ông Trần Quang Cần, Phó chủ tịch VNE bị công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp 391.500 cổ phiếu. Đến ngày 25/10, ông Cần tiếp tục bị bán 848.500 cổ phiếu và giảm xuống còn 5,86 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,15%. Đến ngày ngày 24 và 25/10, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VNE cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp với tổng khối lượng là 1.435.800 cổ phiếu và giảm sở hữu xuống còn 2.409.010 cổ phiếu, tỷ lệ 2,94%.

Vĩnh Hoàn bị nêu tên chậm nộp Báo cáo tài chính quý III/2023: Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) công bố danh sách 4 công ty chậm nộp Báo cáo tài chính quý III/2023, đáng chú ý có doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu cá tra cả nước. Cụ thể, HOSE công bố tính tới ngày 31/10, chỉ có 4 doanh nghiệp chưa nộp Báo cáo tài chính quý III/2023 gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC), Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á (HOSE: DAG), Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (HOSE: IBC) và Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương (HOSE: SJF). “HOSE nhắc nhở và đề nghị Công ty khẩn trương công bố Báo cáo tài chính quý III/2023 theo đúng quy định pháp luật hiện hành”, HOSE nhấn mạnh về việc chậm nộp Báo cáo tài chính của 4 công ty trong danh sách. Trong danh sách chậm nộp Báo cáo tài chính quý III, chủ yếu đáng chú ý là CTCP Vĩnh Hoàn, đơn vị này là doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu cá tra trong cả nước.

Nhựa Bình Minh sắp chi hơn 532 tỷ tạm ứng cổ tức đợt 1/2023: HĐQT Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) vừa ra nghị quyết tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tỷ lệ 65% (tương đương 1 cổ phiếu được nhận 6.500 đồng). Với gần 81,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính BMP cần chi hơn 532 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian chi trả dự kiến trong tháng 12/2023. Nghị quyết không nói rõ ngày đăng ký cuối cùng để chốt cổ tức. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của BMP đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Trong cơ cấu cổ đông của BMP, Nawaplastic Industries Co Ltd - công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) - hiện là công ty mẹ của BMP sở hữu hơn 45 triệu cổ phiếu, tương ứng 54,99% vốn. Ước tính công ty này sẽ thu gần 293 tỷ đồng cổ tức từ BMP. Ngoài ra, một cổ đông lớn khác là KWE Beteiligungen AG đang sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,02% vốn, sẽ nhận gần 59 tỷ đồng.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, loạt cổ phiếu chứng khoán tăng phi mã và chạm trần

Kết thúc ngày giao dịch thứ Năm (2/11), lực mua phân bổ, tăng đều vào thị trường chứng khoán trong toàn phiên đưa VN-Index tiến ...

Quá trình call margins kết thúc, VN-Index đảo chiều hướng tới vùng MA20

Kết thục phiên giao dịch 2/11, thị trường chứng khoán bất ngờ bùng nổ khi tăng trên 3,4% với sắc xanh, tím là chủ đạo.

Nhận định chứng khoán ngày 3/11: Tránh mua đuổi trong các nhịp hồi sớm

Thanh khoản mua chủ động được duy trì tốt xuyên suốt phiên 2/11 đã giúp cho VN-Index có được phiên phục hồi tốt, tăng vượt ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán