Bộ 3 trụ cột đồng loạt điều chỉnh, VN-Index "nhẹ xanh": Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/1, sàn HOSE có 187 mã tăng và 283 mã giảm, VN-Index tăng 0,02 điểm lên 1.175,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 666,54 triệu đơn vị, giá trị 14.288,64 tỷ đồng, tăng 15,88% về khối lượng và 10,77% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 113,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.717 tỷ đồng. Bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép đồng loạt điều chỉnh phiên hôm nay. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép giảm mạnh nhất, với cặp đôi HSG và HPG đều đóng cửa ở vùng giá thấp nhất trong ngày với mức giảm tương ứng 3% và 1,2%, xuống 22.850 đồng/CP và 28.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản là sôi động nhất thị trường, đạt 22,5 triệu đơn vị và 21,58 triệu đơn vị. Ngoài ra, NKG kết phiên giảm 2,6% xuống mức thấp nhất trong ngày 25.950 đồng/CP.
Nhóm chứng khoán đứng thứ 2 với mức giảm hơn 0,5%, trong đó phần lớn đều đảo chiều giảm hoặc lùi về mốc tham chiếu, ngoại trừ một số mã thoát hiểm thành công như TVS, ORS, FTS, BSI có mức tăng chưa tới 1%. Nhóm ngân hàng cũng chỉnh nhẹ khi chịu ảnh hưởng từ cặp đôi lớn VCB và BID đều mất điểm. Trong khi đó, một số cổ phiếu ngược dòng thành công là OCB tăng 1%, các mã khác như MBB, LPB, HDB, STB, CTG tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Ngược lại, nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa – hóa chất vẫn có mức tăng vượt trội hơn 3%. Cụ thể, LIX vẫn tăng trần, DCM tăng hơn 4%, DPM tăng 2,6%, SFG tăng 3,3%, LAS tăng 3%, PHR tăng 2,46%, DPR tăng 5,4%, CSV tăng 3,7%, DGC, BFC, APH đều tăng hơn 1%.
Ảnh minh họa |
NEM giải trình việc giá cổ phiếu tăng trần 11 phiên liên tiếp: Công ty CP Thiết bị điện Miền Bắc (UPCoM: NEM) vừa có văn bản giải trình về việc cổ phiếu nối dài mạch tăng trần liên tiếp (15-29/01/2024). Sau 11 phiên tăng trần liên tiếp, thị giá cổ phiếu NEM đã cao gấp 5,6 lần giá chào sàn, từ 10.200 đồng/cp (giá chào sàn phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM) lên 56.800 đồng (đóng cửa phiên 29/01). Giải trình về diễn biến thị giá tăng phi mã, NEM cho biết do cung cầu của thị trường chứng khoán và theo nhu cầu giao dịch mua bán của các nhà đầu tư trên thị trường. Diễn biến này thực tế nằm ngoài khả năng kiểm soát của Công ty và Công ty hoàn toàn không có bất kỳ tác động nào ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu NEM trên thị trường chứng khoán. Hiện tại hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn đang diễn ra bình thường và ổn định.
Hai cổ đông FOX muốn làm tròn số cổ phiếu nắm giữ: Bà Chu Thị Thanh Hà - Thành viên HĐQT Công ty CP Viễn thông FPT (UPCoM: FOX) đăng ký mua hơn 3,4 triệu cổ phiếu FOX từ ngày 30/01-28/02/2024 với mục đích cơ cấu tài sản và nhu cầu cá nhân. Hiện, bà Hà đang nắm giữ 93.906 cổ phiếu FOX (0,02%). Nếu giao dịch diễn ra thành công, bà Hà sẽ sở hữu đúng 3,5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,75% vốn của Công ty. Ở chiều ngược lại, một cổ đông khác của FOX là CTCP HNT đăng ký bán gần 3,5 triệu cổ phiếu trong cùng thời gian bà Hà mua vào với mục đích cơ cấu tài sản. Về mối quan hệ, bà Hà đang sở hữu một phần vốn tại Công ty CP HNT. Mặt khác, Công ty CP HNT đang sở hữu gần 5,5 triệu cổ phiếu FOX (1,11%). Nếu giao dịch thành công, Công ty CP HNT sẽ chỉ còn nắm đúng 2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,4% vốn.
Becamex liên tục hút vốn từ trái phiếu: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty CP (Becamex, HOSE: BCM) công bố thông tin phát hành thành công lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu mã BCMH2328003 phát hành cho tổ chức chuyên nghiệp, khối lượng 13.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/tp, giá trị phát hành tương ứng 1.300 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành ngày 29/12/2023, hoàn tất huy động vào ngày 24/01/2024. Kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 29/12/2028, lãi suất công bố 12%/năm. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam là Tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu này. Trước đó ngày 20/12/2023, Becamex mới hút thành công 406 tỷ đồng từ lô trái phiếu mã BCMH2328002, có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn ngày 06/10/2028, lãi suất phát hành là 12,5%/năm. Như vậy, chỉ mới hơn 1 tháng BCM đã hút được 1.706 tỷ đồng từ hai lô trái phiếu nói trên.
Thép Pomina bất ngờ tạm dừng chào bán cổ phiếu riêng lẻ: Công ty CP Thép Pomina (mã POM) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei. Theo kế hoạch ban đầu, Pomina sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền huy động 700 tỷ đồng. Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Pomina cũng dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Với số tiền thu về, Pomina sẽ khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty và kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.
BaF Việt Nam sắp trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 17% bằng cổ phiếu: Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HoSE) thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022. BaF Việt Nam dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 17%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 17 cổ phiếu mới và triển khai trong quý I đến quý II/2024. Với 143,52 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính BaF Việt Nam sẽ phát hành thêm 24,4 triệu cổ phiếu BAF để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Được biết, ngày 8/5/2023, Công ty BaF Việt Nam thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023, tỷ lệ 17% (khoảng 24,4 triệu cổ phiếu), thời gian dự kiến thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (tối đa ngày 8/11/2023).
Báo lãi quý 4 kỷ lục, cổ phiếu Tập đoàn PAN (PAN) hồi phục với thanh khoản nhảy vọt Công ty CP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với mức lãi kỷ lục. Ngay sau thông ... |
Hàng vừa về tài khoản, cổ đông FIR tiếp tục chịu cảnh nằm sàn Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu FIR tiếp tục giảm sàn với thanh khoản tương đối lớn. |
Nhận định chứng khoán phiên 30/1: Chờ thanh khoản trở lại để xác định xu hướng rõ ràng Thanh khoản thị trường chứng khoán phiên đầu tuần tăng so với phiên 26/01 nhưng không quá đáng kể, cho thấy dòng tiền vẫn còn ... |
Nguyên Nam