Thị trường đồ nội thất trong nước: “Mảnh đất hứa” cho các doanh nghiệp

08/10/2023 - 05:06
(Bankviet.com) Quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất trong nước khoảng 5 tỷ USD, dung lượng thị trường vẫn đang tăng, đây là “mảnh đất hứa” cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bộ Công Thương: Đẩy mạnh kết nối lĩnh vực xây dựng và đồ nội thất Việt Nam vào thị trường Nga 5 thị trường chính nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam

Trung tuần tháng 9/2023, thương hiệu cung cấp giải pháp toàn diện về trang trí nội thất Come Home (thuộc Tập đoàn Central Retail) đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại tầng 3 Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake (Hà Nội).

Come Home mang đến luồng gió mới cho thị trường trang trí nội thất
Come Home mang đến luồng gió mới cho thị trường trang trí nội thất

Với không gian trưng bày rộng lớn hơn 2.000m2 và thiết kế hiện đại, Come Home mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội trải nghiệm mua sắm nội thất độc đáo, đẳng cấp và phong cách; nổi bật là khu vực trưng bày được thiết kế đặc biệt với các’ ngôi nhà mô phỏng’, đặc trưng của Hà Nội, được trang trí độc đáo để thể hiện đúng phong cách và sở thích của khách hàng Thủ đô.

Bà Lacia Sherlock - Giám đốc khối Nội thất, Gia dụng và Giải trí của Tập đoàn Central Retail Vietnam - cho biết, chúng tôi bắt đầu hành trình với việc mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2023; Hà Nội với văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, là địa điểm lý tưởng cho Come Home mở rộng thị trường. Chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng tại đây những sản phẩm nội thất chất lượng cao, thiết kế tinh tế và giá cả phải chăng.

Không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng đang tìm cách giành miếng bánh thị trường đồ gỗ nội thất tại thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 9/2023, Hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa - TavicoHome Viefurn 365 - đã diễn ra tại Đồng Nai – một trong những thủ phủ của ngành gỗ Việt Nam. Với qui mô hơn 1.000 gian hàng, hơn 10.000 sản phẩm được trưng bày trên diện tích mặt bằng 20.000m2 tại số 81 Điểu Xiển, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, TavicoHome Viefurn 365 thu hút được hơn 7.500 lượt khách tham quan.

Đáng chú ý, sau 1 tuần diễn ra hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa, trao đổi và kết nối vẫn tiếp tục được diễn ra. Các đơn vị tham gia được tiếp tục duy trì trưng bày hàng hoá, giới thiệu cho khách hàng trong suốt 12 tháng (đến ngày 01/10/2024) với ưu đãi miễn phí thuê mặt bằng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Võ Quang Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho hay, hiện giá bán được các doanh nghiệp xuất khẩu đang bán với giá thấp hơn 30% so với giá xuất khẩu trước đây. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa nhằm duy trì công ăn việc làm, tuy nhiên, hiện công suất tại các nhà máy cũng đang chỉ duy trì trong khoảng từ 40 - 50%.

“Việc khai thác thị trường nội địa giúp các doanh nghiệp duy trì được công việc, đồng thời để cho người tiêu dùng biết đến được các sản phẩm xuất khẩu”, ông Võ Quang Hà cho biết.

Thị trường đồ nội thất trong nước “mảnh đất hứa” cho các doanh nghiệp
Khách hàng tham quan Hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa - TavicoHome Viefurn 365

Theo tính toán của các Hiệp hội ngành gỗ, chỉ riêng với đồ gỗ nội thất, nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là trên 20 USD/người/năm. Tính ra, quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất trong nước lên đến 4 – 5 tỷ USD. Dung lượng thị trường vẫn đang tăng lên theo từng năm. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thị trường có nhu cầu sử dụng sản phẩm nội thất cao cấp đang gia tăng nhanh chóng.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm ước tính có tới 70 – 80 triệu mét vuông nhà ở được xây dựng, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao.

Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay không nghĩ tới giá rẻ mà họ yêu cầu sản phẩm phải phù hợp với phong cách, kiến trúc của ngôi nhà. Nhưng hiện nay, thị trường đồ gỗ nội địa vẫn còn bỏ ngỏ cho các sản phẩm ngoại nhập.

Trong bối cảnh thị trường gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn về đầu ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã xoay chiều, mở thêm hướng phục vụ thị trường nội địa bằng chính các sản phẩm xuất khẩu đặc sắc, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong nước.

Việc phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu sẽ là giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đa dạng hoá đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới.

Dung lượng thị trường trong nước vẫn còn rất lớn. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ bán sản phẩm mà còn cung cấp đến khách hàng những giải pháp nội thất gia đình tốt nhất và toàn diện nhất, với các mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất lượng quốc tế và giá cả hợp lý, kèm theo đó là dịch vụ hậu mãi chu đáo và tư vấn thiết kế miễn phí,... đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cũng cần có những chiến lược riêng cho mình để giữ và giành "miếng bánh" thị phần thị trường này.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương