Nhóm nguyên liệu công nghiệp
Kết thúc phiên giao dịch 21/3, có 7 trên 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng giá. Trong đó, ca cao và cà phê là hai mặt hàng có mức tăng mạnh nhất, hơn 2%. Cụ thể, giá Arabica đảo chiều hồi phục 1,81% so với mức tham chiếu; giá Robusta lấy lại 2,11%, tiến lên vùng đỉnh 30 năm. Đồng USD suy yếu và rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã thúc đẩy giá Robusta thiết lập mức đỉnh mới trong 30 năm.
Thời tiết khô nóng tại vùng gieo trồng cà phê chính của Việt Nam chưa có dấu hiệu dịu lại. Nền nhiệt cao kéo dài trong nhiều ngày qua thúc đẩy tâm lý tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ mới tại quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc đồng USD yếu đi sau cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giúp thu hẹp chênh lệch với đồng VND của Việt Nam. Tỷ giá USD/VND hẹp hơn khiến nông dân Việt Nam hạn chế nhu cầu bán cà phê. Điều này khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng hơn.
Ở diễn biến khác, giá đường 11 tăng thêm 1,33% trước những tín hiệu kém khả quan về triển vọng mùa vụ tại Brazil. Theo đó, lượng mưa dưới mức trung bình sẽ trải dài khắp khu vực Trung Nam Brazil, vùng trồng đường trọng điểm của nước này trong tuần tới. Thời tiết bất lợi sẽ là lực cản đối với khả năng hồi phục năng suất cây trồng và khiến nguồn cung đường thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Giá bông nhích nhẹ 0,04% khi thị trường phản ứng với doanh số bán bông tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu tuần kết thúc ngày 14/3, Mỹ đã bán 92.600 kiện bông, tăng lần lượt 8% và 20% so với tuần trước và trung bình 4 tuần. Đồng thời, quốc gia này đã xuất đi 397.300 kiện bông, mức cao nhất trong niên vụ 23/24. Điều này phản ánh nhu cầu về bông Mỹ trên thị trường quốc tế ngày càng được cải thiện.
Dù vậy, chỉ số Dollar Index mạnh lên trong phiên tối đã kìm hãm lực tăng của giá. Đồng USD tăng 0,60% khiến giá bông Mỹ đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao hơn sẽ hạn chế lực mua trên thị trường.
Ngược lại, giá dầu cọ suy yếu 0,51% trước tình hình cung tại Malaysia. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ ở Bán đảo Nam (SPPOMA), sản lượng tại nước này trong 20 ngày đầu tháng 3 tăng 22,4% so với cùng kỳ tháng trước.
Thị trường kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường kim loại ghi nhận biến động trái trái chiều, song lực mua vẫn chiếm ưu thế. Đối với nhóm kim loại quý, trong khi giá bạc giảm 0,39% xuống 25 USD/ounce, chịu sức ép chủ yếu từ biến động vĩ mô thì bạch kim lại tăng 1,51% lên 913 USD/ounce trước tác động cung cầu.
Trái lại, giá bạch kim bật tăng mạnh mẽ trước lo ngại gián đoạn nguồn cung. Tiếp nối hàng loạt các công ty khai thác kim loại nhóm bạch kim (PGM) ở Nam Phi bao gồm Sibanye Stillwater và Anglo American Platinum, công ty khai thác Zimplats của Impala Platinum hôm thứ Tư cũng cho biết họ đang đưa ra kế hoạch cắt giảm việc làm nhằm bảo vệ doanh nghiệp khỏi tác động của giá PGM giảm mạnh. Điều này sẽ hạn chế sản lượng bạch kim trong tương lai.
Giá nhôm tăng lên mức cao nhất 11 tuần, do sức mua tăng cùng với triển vọng nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – được cải thiện.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,3% lên 2.301,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.313,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 4/1/2024. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 720.000 tấn nhôm chưa gia công và các sản phẩm, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá đồng COMEX biến động giằng co, kết phiên chỉ nhích nhẹ 0,17% giá trị lên 4,05 USD/pound. Một phần, đồng COMEX cũng chịu sức ép từ đà tăng giá của đồng USD, nhưng những rủi ro thiếu hụt nguồn cung do biên lợi nhuận thấp từ các nhà máy tinh chế hạn chế sản lượng, đã hỗ trợ cho giá. Quặng sắt tăng mạnh 3,71% lên mức 108,72 USD/tấn.
Quặng sắt tăng mạnh 3,71% lên mức 108,72 USD/tấn, trước một vài tín hiệu tích cực từ lĩnh vực sản xuất ô tô của Trung Quốc. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), doanh số bán lẻ xe chở khách ở Trung Quốc lên tới 698.000 chiếc trong giai đoạn từ ngày 1 đến 17/3, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng 27% so với cùng kỳ tháng trước. Ngoài ra, doanh số bán lẻ xe chở khách NEV đạt tổng cộng 335.000 chiếc, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng 115% so với tháng trước.
Nhóm nông sản
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/3, bảng giá thị trường nông sản gần như phủ kín sắc xanh. Ngoại trừ dầu đậu tương, các mặt hàng còn lại đã nhận được lực mua khá mạnh khi mở cửa, tuy nhiên, việc đồng dollar mạnh lên đã khiến đã tăng bị thu hẹp và kết phiên chỉ mới mức tăng nhẹ.
Thị trường đậu tương diễn biến tương đối ảm đạm vào hôm qua khi giá hỗ trợ mạnh nhất vào phiên sáng rồi dần thu hẹp đà tăng. Theo hãng tin Reuters, lợi nhuận ép dầu tăng trở lại trong tháng này đang thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu đậu tương trong thời gian tới. Được biết, các nhà máy ép dầu đậu tương ở Nhật Chiếu đã có lợi nhuận, sau khi liên tục chịu lỗ kể từ tháng 10/2023.
Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất trong nhóm nông sản suy yếu vào hôm qua, do áp lực từ nhu cầu của Ấn Độ. Theo nguồn tin từ Reuters, Ấn Độ đã xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ đầu tiên, có khả năng thúc đẩy năng lực sản xuất nội địa và dẫn tới khả năng nhập khẩu của quốc gia tiêu thụ dầu thực vật số 1 toàn cầu này sẽ sụt giảm trong thời gian tới.
Đối với ngô, giá tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ. Trong báo cáo Export Sales, USDA cho biết doanh số bán ngô niên vụ 2023/24 của nước này ở mức 1,185 triệu tấn, giảm nhẹ 7,6% so với tuần trước nhưng vẫn duy trì ở trên mức 1 triệu tấn. Giao hàng ngô trong tuần qua có sự cải thiện khi tăng 21% lên mức 1,52 triệu tấn, cho thấy nhu cầu của thị trường đối với ngô Mỹ vẫn ở mức cao và góp phần hỗ trợ giá.
Trong khi đó, lúa mì cũng nhận được lực mua nhẹ vào hôm qua. Mặc dù Trung Quốc đã hủy mua hàng loạt chuyến hàng lúa mì thời gian gần đây, tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nhu cầu nhập khẩu của nước nay sẽ vẫn ở mức cao kỷ lục trong năm nay do nguồn cung nội địa thiếu hụt. Dữ liệu hải quan cho thấy, nhập khẩu lúa mì từ Australia của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay năm nay đã tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mua hàng dự kiến sẽ tiếp tục ngay cả nghi nước này đã hủy hoặc hoãn nhận hàng khoảng 1 triệu tấn lúa mì Australia vào tuần trước.
Nhóm năng lượng
Giá dầu giảm, chịu áp lực bởi số liệu nhu cầu xăng của Mỹ suy yếu và báo cáo về dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/3, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 17 US cent tương đương 0,2% xuống 85,78 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 20 US cent tương đương 0,3% xuống 81,07 USD/thùng, sau khi giảm 1,8% trong phiên trước đó.
Giá dầu tiếp tục đi xuống do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ lãi suất ổn định. Andrew Lipow, - Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết, quyết định lãi suất của Fed nằm trong dự đoán và tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ.
Yếu tố kiềm chế đà giảm của giá trong phiên 21/3 là dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới bất ngờ giảm vào tuần trước. Như vậy tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 3 vẫn mạnh. Trong khi đó, các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Nga khiến nhà đầu tư giao dịch dầu thô với giá cao hơn bởi nguồn cung xăng dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 1%, do dự báo nhu cầu trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó và tồn trữ cao hơn so với dự kiến.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn New York giảm 1,6 US cent tương đương 0,9% xuống 1,683 USD/mmBTU.
Điểm tin thị trường hàng hóa trong nước ngày 20/3/2024 Tổng hợp giá các loại hàng hóa tiêu dùng tại một số khu vực, cửa hàng bán lẻ trên cả nước ngày 20/3/2024. |
Điểm tin thị trường hàng hóa trong nước ngày 21/3/2024 Tổng hợp giá các loại hàng hóa tiêu dùng tại một số khu vực, cửa hàng bán lẻ trên cả nước ngày 21/3/2024. |
Thị trường hàng hóa ngày 21/3: Nhóm năng lượng "đỏ lửa" Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) trong ngày 20/3, lực bán chiếm ưu thế, trong đó nhiều mặt hàng ... |
Anh Vũ