Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9 vừa qua (tính đến hết ngày 30/9), có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Thương mại CP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng.
Như thường lệ, ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát hành nhiều nhất với giá trị 3.090 tỷ đồng; theo sau là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng Phương Đông (OCB) với 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) với 750 tỷ đồng.
Xét về giá trị phát hành, nhóm bất động sản được xếp vào vị trí thứ hai, tuy nhiên không khí ảm đạm vẫn chưa thể dứt, khi chỉ có duy nhất Công ty CP Nova Thảo Điền (thành viên Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, Novaland) phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm.
Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với Công ty CP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% so với cùng kỳ năm ngoái (chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% (chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành).
Trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng (tăng 199% so với cùng kỳ tháng 9/2021). Từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021).
Sau “dư chấn” trái phiếu Tân Hoàng Minh khiến thị trường TPDN rơi vào ảm đạm. Mới đây, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65) ra đời được kỳ vọng đem đến sự khởi sắc mới cho thị trường khi sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường.
Nghị định 65 có nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.
Thứ nhất, về điều kiện và hồ sơ phát hành, các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được quy định ở Luật doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, Nghị định 65 chỉ điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu DN, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư.
Cụ thể, Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và việc này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2023. Khi doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng kí kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.
Thứ hai, liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.
Thứ ba, chính sách liên quan đến nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.
Tân Mai