Phục hồi thị trường phụ thuộc chính sách và cải cách
Một trong những thách thức lớn nhất của thị trường TPDN là tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng còn quá thấp.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 8 tháng năm 2024, chỉ có 9,55% tổng số trái phiếu được phát hành ra công chúng, trong khi hơn 90% là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Điều này cho thấy, việc phát hành ra công chúng - một hình thức giúp tăng tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng.
Trong khi đó, theo đánh giá của bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng gGiám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ PVI, quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn quá nhỏ nếu so với GDP và so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, thị trường trái phiếu vẫn ở giai đoạn sơ khai nên doanh nghiệp lệ thuộc tín dụng ngân hàng. Vì vậy, các cơ quan quản lý và thành viên thị trường cần gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị trường TPDN để nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự tin đưa vốn vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Những cải cách gần đây nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng là rất cần thiết để tạo sự cân bằng giữa hai kênh phát hành. Nghị định 65/2022/NĐ-CP được Bộ Tài chính đưa ra, yêu cầu các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu riêng lẻ phải cung cấp thông tin minh bạch và đầy đủ, đồng thời áp dụng các biện pháp giám sát nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, thủ tục phát hành ra công chúng hiện nay vẫn còn phức tạp và kéo dài, làm nản lòng nhiều doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đã nhấn mạnh: “Hiện hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng còn tồn đọng rất nhiều. Điều này một phần xuất phát từ số lượng nhân sự cơ quan quản lý còn hạn chế và một phần do thủ tục phát hành quá phức tạp. Nếu không cải cách, thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục tắc nghẽn”. Do đó, cần có sự đơn giản hóa và cải tiến các quy định pháp lý để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận kênh huy động vốn qua trái phiếu ra công chúng.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP nhằm rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ phát hành. Giải pháp này sẽ tăng cường trách nhiệm của các đơn vị tư vấn và tổ chức phát hành trong quá trình lập hồ sơ, từ đó nâng cao chất lượng của các đợt phát hành.
Một giải pháp quan trọng khác để phát triển thị trường TPDN bền vững là tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư chuyên nghiệp và các quỹ đầu tư. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết: “Chỉ có các nhà đầu tư tổ chức đủ năng lực phân tích, dự báo và quản trị rủi ro mới nên đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ. Nhà đầu tư cá nhân nên lựa chọn các quỹ đầu tư trái phiếu để đảm bảo sự an toàn”.
Thực tế, tính minh bạch là yếu tố then chốt trong việc thu hút nhà đầu tư. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức về rủi ro của các mã trái phiếu phát hành riêng lẻ, dẫn đến hiện tượng đầu tư theo đám đông, chỉ quan tâm đến lãi suất mà không đánh giá đầy đủ về các rủi ro tiềm ẩn. Bởi vậy, cần có những biện pháp mạnh mẽ để nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Xu hướng phát triển bền vững trong tương lai
Một trong những giải pháp đề xuất là mở rộng phạm vi của các quỹ đầu tư trái phiếu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường một cách an toàn hơn. Việc thiết lập các tổ chức trung gian có uy tín, chẳng hạn như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin về trái phiếu.
“Xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ rủi ro của một doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt và giảm thiểu các rủi ro không cần thiết”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết.
Hiện tại, một số công ty quản lý quỹ đã bắt đầu sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm và đường cong lãi suất để đánh giá rủi ro của các mã TPDN. Tuy nhiên, độ bao phủ của xếp hạng tín nhiệm vẫn còn thấp và cần được phát triển rộng hơn.
Bên cạnh đó, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Một trong những hướng đi chính là xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường, giúp tạo ra sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV: “Đường cong lãi suất không chỉ là công cụ giúp định giá trái phiếu mà còn là thước đo dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trong tương lai”.
Một ví dụ về vai trò của đường cong lãi suất trong việc quản lý rủi ro là khả năng dự đoán về nguy cơ thanh khoản của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao sẽ có lãi suất thấp, phản ánh mức độ rủi ro vỡ nợ thấp hơn so với các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm thấp.
Để đạt được điều này, cần tăng cường dữ liệu về tỷ lệ chậm trả nợ, xác suất vỡ nợ và các chỉ số quan trọng khác. Các tổ chức trung gian độc lập cần phải thu thập và xử lý dữ liệu để cung cấp cho nhà đầu tư thông tin minh bạch và chính xác về thị trường.
Mặc dù thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết, sự kỳ vọng vào một tương lai bền vững và minh bạch là hoàn toàn có cơ sở. Cải cách luật pháp, tăng cường vai trò của các tổ chức trung gian và phát triển các công cụ quản lý rủi ro như đường cong lãi suất, xếp hạng tín nhiệm sẽ là những bước đi cần thiết để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo tính ổn định của thị trường.
Cùng với đó, việc khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức, cải thiện tính thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn sẽ giúp thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp. Các chuyên gia đều kỳ vọng rằng, với những nỗ lực hiện tại, thị trường TPDN Việt Nam sẽ không chỉ phục hồi mà còn phát triển theo hướng bền vững và an toàn hơn trong những năm tới.
Hải Yên