Thổ cẩm Cao Bằng được quảng bá tại Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương

28/05/2024 - 00:05
(Bankviet.com) Hoạt động trình diễn thời trang thổ cẩm bên lề Hội nghị sẽ giới thiệu, quảng bá tinh hoa thổ cẩm đặc sắc của Cao Bằng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cao Bằng: Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,34% Cao Bằng: Kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2024 Trải nghiệm “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng"

Ban Tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng thống nhất chọn chất liệu thổ cẩm truyền thống tham gia trình diễn thời trang bên lề hội nghị.

Bên lề hội nghị, dự kiến sẽ tổ chức show diễn thời trang thổ cẩm Cao Bằng theo xu hướng thời trang bền vững, lấy chất liệu thổ cẩm truyền thống làm chủ đạo trong thiết kế, họa tiết của các bộ trang phục hiện đại; trang phục thổ cẩm được trình diễn bởi các người mẫu chuyên nghiệp.

Chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khảo sát làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày, tại xóm Luống Nọi (Ngọc Đào, Hà Quảng). Ảnh baocaobang.vn
Chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khảo sát làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày, tại xóm Luống Nọi (Ngọc Đào, Hà Quảng). Ảnh baocaobang.vn

Hiện Ban Tổ chức đang lựa chọn đơn vị tổ chức trình diễn thời trang có kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp cao về dùng chất liệu thổ cẩm truyền thống trong ứng dụng thiết kế thời trang.

Theo tư vấn của chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Cao Bằng là nơi quần cư sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… có nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống từ lâu đời, làm ra nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh xảo về họa tiết, phối màu, kỹ thuật thêu tinh tế, phù hợp trong ứng dụng thời trang hiện đại và làm các sản phẩm du lịch túi xách, khăn quàng cổ, tranh bài trí trong nhà…

Hoạt động trình diễn thời trang thổ cẩm Cao Bằng sẽ giới thiệu, quảng bá tinh hoa thổ cẩm đặc sắc của Cao Bằng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Qua đó, bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Đây là cơ hội để Cao Bằng đưa sản phẩm làng nghề truyền thống giới thiệu, quảng bá đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho bà con làng nghề thủ công nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để tăng thêm nguồn sinh kế từ phát huy làng nghề truyền thống.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương