Trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Bộ trưởng Tài chính ASEAN, ngày 03/4/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã tham dự Hội thảo cấp cao về “Tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến động” tổ chức tại Luang Prabang, Lào với vai trò diễn giả. Cùng tham gia thảo luận có Thống đốc NHTW các nước Lào, Malaysia, Thái Lan, Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trưởng đại diện Văn phòng Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tại Lào và sự tham dự của đông đảo đại diện NHTW và Bộ Tài chính các thành viên ASEAN, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính trong khu vực.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các diễn giả tại Hội thảo “Tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến động”
Đây là sự kiện cấp cao bên lề Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN năm 2024 nhằm thảo luận về các xu hướng phát triển dài hạn trên thế giới và cách thức tận dụng cơ hội từ các xu hướng dịch chuyển này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hội thảo được đồng tổ chức bởi IMF và NHTW Lào trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và bất định đòi hỏi sự chung tay tìm ra giải pháp để vượt qua những cơn gió ngược của nền kinh tế.
Tại Hội thảo, IMF nhận định, trái ngược với viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và nguy cơ suy thoái, khu vực châu Á tiếp tục duy trì triển vọng vững chắc, dự báo đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Trong đó, ASEAN tiếp tục được ghi nhận là một hình mẫu điển hình về hội nhập và hợp tác kinh tế; đang ngày càng trở thành một khu vực kinh tế năng động, dự báo sẽ đóng góp khoảng 10% GDP toàn cầu trong năm nay. Hội thảo đánh giá cao những thành tựu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần duy trì ổn định tài chính - kinh tế khu vực, đưa ASEAN trở thành điểm sáng của tăng trưởng và toàn cầu.
Để tìm giải pháp tiếp nối đà tăng trưởng nói trên trong bối cảnh thế giới biến động, các nhà lãnh đạo NHTW và đại diện IMF, IFC bàn về các tác động của các xu hướng phát triển mới, bao gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi nhân khẩu học, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo và quá trình chuyển đổi xanh, đến sự vận hành của nền kinh tế ASEAN nói chung, thị trường tài chính và công tác điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW nói riêng. IMF cho rằng, các xu hướng này mang lại cả cơ hội phát triển và thách thức mới cho các nền kinh tế; đây là xu thế vận động tất yếu và các quốc gia ASEAN chỉ có thể duy trì sự phát triển bền vững khi có chiến lược ứng phó phù hợp, huy động sự vào cuộc của tất cả các ngành, lĩnh vực.
Với góc nhìn toàn diện về kinh tế học cũng như kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý tiền tệ - ngân hàng, các Thống đốc đã có những chia sẻ về vai trò của NHTW trong tận dụng cơ hội của xu thế dịch chuyển toàn cầu, cũng như ứng phó với các thách thức về già hóa dân số và biến đổi khí hậu góp phần thúc đẩy phát triển thịnh vượng quốc gia và khu vực. Thống đốc NHTW Lào nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng của NHTW trong việc kịp thời nắm bắt và lồng ghép các xu thế phát triển dài hạn vào công tác điều hành chính sách tiền tệ, đánh giá ổn định tài chính, thúc đẩy tín dụng xanh hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ - là xương sống của nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo “Tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến động”
Thảo luận về chủ đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ một nền kinh tế nông nghiệp với khoảng 90% lao động làm nông nghiệp, sau 38 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu ấn tượng. Thống đốc NHNN chia sẻ một trong những đặc điểm của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại Việt Nam, đó là sự phát triển song hành của cả hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển xứng tầm, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay trung, dài hạn của ngân hàng, tạo áp lực không nhỏ lên với hệ thống ngân hàng và an toàn vĩ mô. NHNN đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, chính sách để đẩy mạnh tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Chia sẻ với quan điểm này, Thống đốc NHTW Malaysia Datuk cho biết, là một nền kinh tế thu nhập trung bình cao, quốc gia này xác định công nghiệp và dịch vụ là hai trụ cột chính, hỗ trợ và song hành thúc đẩy kinh tế phát triển để đạt được mục tiêu gia nhập nhóm quốc gia thu nhập cao.
Các diễn giả tại Hội thảo đều nhất trí rằng, thực tiễn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các quốc gia cho thấy, công tác điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực thi chính sách tín dụng của NHTW đã và đang góp phần quan trọng tạo nền tảng để phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy công nghiệp hóa.
Hội thảo nhận định quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các quốc gia khu vực ASEAN đang chứng kiến xu hướng vận động mới, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Thống đốc NHNNNguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ tiên phong trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, cũng như trách nhiệm quan trọng trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Về chuyển đổi số, trong thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt như: chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn. Điều này được thể hiện qua những con số tăng trưởng đáng ghi nhận về giao dịch, người dùng và những dịch vụ thanh toán, ngân hàng số đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.
Về chuyển đổi xanh, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các thách thức từ biến đổi khí hậu đặt ngành Ngân hàng Việt Nam trước rủi ro mang tính hệ thống, đòi hỏi ngành Ngân hàng phải rà soát lại khẩu vị rủi ro, chiến lược phát triển, định hướng hoạt động; đánh giá lại toàn bộ các đối tượng bị tác động cả trực tiếp và gián tiếp để định hình chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chủ động triển khai các hành động thiết thực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về tín dụng, ngân hàng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; ban hành các hướng dẫn phân loại rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng; cập nhật thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động nguồn lực tài chính và tư vấn chính sách từ các tổ chức tài chính quốc tế để hỗ trợ các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả là, giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Việt Nam là một trong 38 thị trường đang phát triển có tiến bộ đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á trong việc triển khai một số nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tặng quà lưu niệm Thống đốc NHTW Lào
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được lắng nghe quan điểm của Thống đốc NHTW Malaysia về quá trình cải cách trong hệ thống kinh tế và tài chính để đạt được các mục tiêu bền vững khí hậu, kinh nghiệm của Thống đốc NHTW Thái Lan Sethaphut về sự cần thiết của việc lồng ghép xu hướng dịch cơ cấu chuyển dân số vào hoạch định chính sách tài chính - tiền tệ, góc nhìn của Thống đốc NHTW Lào Bounleua về hàm ý chính sách cho NHTW nhằm tận dụng tối ưu cơ hội phát triển trong bối cảnh mới.
Đối với tất cả các vấn đề nêu trên, các diễn giả khẳng định sự đồng lòng, đoàn kết của các quốc gia ASEAN trong việc hợp tác đối phó với các thách thức do xu hướng vận động phát triển toàn cầu. Thời gian qua, các Thống đốc NHTW đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các sáng kiến về Chuyển đổi số, Liên thông cơ sở dữ liệu, Hệ thống phân loại tài chính ASEAN (ASEAN Taxonomy), Nguyên tắc ngân hàng bền vững ASEAN (ASEAN Sustaibale Banking Principles)… Hội thảo tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ, các NHTW ASEAN sẽ cùng nhau tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức để ngành Ngân hàng khu vực có đóng góp chung tích cực cho quá trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia cũng như cả khu vực ASEAN.
Sự tham gia của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng với vai trò diễn giả chính tại sự kiện trên góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào nói chung và sự gắn bó khăng khít của NHTW hai quốc gia nói riêng.
Phòng HNĐP (Vụ HTQT)