Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Tọa đàm về “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam” bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên năm 2024 tại Davos, Thụy Sỹ

19/01/2024 - 20:31
(Bankviet.com) Tối ngày 17/1/2024 theo giờ địa phương, Thống đốc đã tham dự Tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Ngân hàng Thuỵ Sĩ, Quỹ đầu tư VinaCapital phối hợp tổ chức. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng sự tham gia của Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn tài chính, ngân hàng thương mại lớn của quốc tế và Việt Nam, toạ đàm đã diễn ra thành công và đạt được các kết quả cụ thể.
Tối ngày 17/1/2024 theo giờ địa phương, Thống đốc đã tham dự Tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, Quỹ đầu tư VinaCapital phối hợp tổ chức. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng sự tham gia của Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn tài chính, ngân hàng thương mại lớn của quốc tế và Việt Nam, toạ đàm đã diễn ra thành công và đạt được các kết quả cụ thể.
 
 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Toạ đàm
 
Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện các tập đoàn tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng nhanh, có tiềm năng trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm cũng như mong muốn hiện diện thương mại tại Việt Nam. Để hiện thực hoá mục tiêu, các nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thành lập trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chia sẻ Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng và các điều kiện cần và đủ để trở thành trung tâm tài chính như kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô kinh tế lớn, hoạt động kinh tế phát triển, vị trí địa lý thuận lới (nằm tại múi giờ khác với 21 trung tâm tài chính trên thế giới), có nguồn nhân lực có kỹ năng. Hướng tới mục tiêu về xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, nhận tư vấn và đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc xác định lộ trình, bước đi cụ thể để lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.

 



Các đại biểu tại Tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam"

Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các chuyên gia, các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Thụy Sỹ nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm, Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu là các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng về quá trình giành độc lập, đường lối phát triển đất nước và tình hình Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, đồng thời điểm lại một số thành tựu, kết quả nổi bật. Thủ tướng đã trích dẫn các con số “biết nói” tại thị trường Việt Nam như minh chứng cho sự ổn định và hấp dẫn của thị trường đầu tư trong nước. Cụ thể, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 468 tỷ USD, giải ngân khoảng 300 tỷ USD. Năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân, các nhà đầu tư gia tăng đáng kể.

Với mục tiêu năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam đã và đang tập trung phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: (i) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, (ii) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, và (iii) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình phát triển, Đảng và Chính phủ đặt ưu tiên đối với các vấn đề về con người, đảm bảo cân bằng xã hội và môi trường, không đánh đổi hay hy sinh các mục tiêu trên để đổi lấy tăng trưởng kinh tế.

 



Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Tọa đàm

Thảo luận tại buổi tọa đàm về các vấn đề tài chính - ngân hàng trong quá trình thành lập trung tâm tài chính quốc tế, trước quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, quản lý nguồn vốn đầu tư vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam; tỷ lệ này với một tổ chức nước ngoài là 15%; đối với một nhà đầu tư chiến lược là không quá 20% và tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30%. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng, Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém.

Đối với quy định về quản lý ngoại hối hiện hành, tại Việt Nam; các giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện; các dòng vốn vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp tuân thủ theo các quy định về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Theo đó NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch này.

Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự bùng nổ của Fintech, tại Việt Nam xuất hiện một số loại hình dịch vụ mới do các công ty Fintech cung cấp. Để tạo hành lang pháp lý cho các loại hình dịch vụ có thể phát sinh, trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng, cơ quan soạn thảo đã đưa ra một số nguyên tắc chung để cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Đối với việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, Thống đốc đề cập một số vấn đề cần các bên quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm như sau: (i) Thứ nhất là cần xác định rõ về phạm vi và hoạt động của các định chế tài chính tại trung tâm tài chính quốc tế để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, (ii) Thứ hai, các cơ chế chính sách được xây dựng cần đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Thống đốc nhấn mạnh đây là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo và cần có các giải pháp quản lý từ nhiều cơ quan, bộ, ngành. Trong thời gian tới, Thống đốc mong muốn các bên duy trì kênh liên lạc và tiếp tục nghiên cứu toàn diện, tổng thể về các nội dung liên quan; đảm bảo phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của nền kinh tế.

Phát biểu kết luận cuộc tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quan tâm của các ngân hàng và các quỹ đầu tư đối với kế hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của các đại biểu về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam do Tiến sĩ Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc điều hành WEF, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sỹ cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì.

Theo Phòng HNĐP - Vụ HTQT/sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng