Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên năm 2024 tại Davos, Thụy Sỹ

19/01/2024 - 03:30
(Bankviet.com) Từ ngày 16 đến 18/1/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham gia Đoàn Chính phủ Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên năm 2024 tại Davos, Thụy Sỹ.
Từ ngày 16 đến 18/1/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham gia Đoàn Chính phủ Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên năm 2024 tại Davos, Thụy Sỹ.
 
 
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Hội nghị WEF Davos 2024

Với chủ đề "Tái thiết lòng tin", Hội nghị WEF có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay (gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu). Hội nghị đươc kỳ vọng sẽ mang lại các thời cơ, xu thế mới; là diễn đàn chung để các bên chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về các vấn đề toàn cầu. Hội nghị mở màn với lời kêu gọi của Giáo sư Klaus Schwab - người sáng lập WEF về tăng cường hợp tác toàn cầu để cùng giải quyết các vấn đề chung. Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ: “Vào dịp đầu năm mới, chúng ta quy tụ tại đây để phân tích tình hình thế giới một cách hệ thống với cái nhìn chiến lược và hy vọng rằng sẽ cùng nhau tạo dựng các tác động tích cực tới sự phát triển của toàn cầu”. Bà Ursula Von Der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu bày tỏ trong phiên khai mạc rằng: “Đây là thời điểm để chúng ta thúc đẩy hợp tác toàn cầu hơn bao giờ hết”. Chủ tịch WEF - Ông Borge Brende cùng quan điểm với Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu về tầm quan trọng của hợp tác trong bối cảnh diễn biến địa chính trị và kinh tế vẫn đang diễn ra phức tạp.

Tại Hội nghị, các nhà kinh tế chia sẻ triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều sự bất ổn. Thủ tướng Trung Quốc, Ông Lý Cường cho rằng ở cấp độ toàn cầu, đối thoại và hợp tác là các nhân tố quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới cấu trúc kinh tế và hệ thống thương mại đa phương. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề "Tái thiết lòng tin" của Hội nghị WEF 2024. Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là chủ đề thiết thực, phù hợp, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đóng góp vào quá trình củng cố niềm tin, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, truyền cảm hứng cho mọi quốc gia, chung tay vì sự phát triển của nhân loại.

Các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2024

Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 16/1/2024, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng lãnh đạo các bộ, ngành đã tham dự và phát biểu tại các Tọa đàm, Phiên đối thoại, làm việc với các Tập đoàn toàn cầu và cùng dự tiếp với Thủ tướng Chính phủ tại các buổi tiếp xã giao nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước Thuỵ Sỹ, Bỉ, Hàn Quốc...

Tại hai phiên Đối thoại chính sách của WEF với các chủ đề “Chân trời phát triển tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam” và “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, Thủ tướng Chính phủ đã thảo luận với các Tập đoàn và các đại biểu về các động lực tăng trưởng của Việt Nam, định hướng phát triển trong tương lai và các định hướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng khẳng định chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay; không một quốc gia, nền kinh tế nào, nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, có thể phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi, gồm chuyển đổi về kinh tế, làm mới những động lực tăng trưởng cũ và thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; chuyển đổi về cơ chế, chính sách, xây dựng hạ tầng chiến lược cho chuyển đổi; chuyển đổi nguồn nhân lực.

 



Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Toạ đàm

Tại các Toạ đàm, Thống đốc chia sẻ ngành ngân hàng luôn chú trọng công tác chuyển đổi số để góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của đất nước thông qua việc ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, thân thiện đã được cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như thanh toán qua kênh di động - Mobile, QR Code. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế.

Với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN luôn quan tâm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh. Công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thường xuyên được triển khai theo hướng tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, NHNN đã kịp thời xây dựng và ban hành các Chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngân hàng xanh cũng như tích cực huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Các tổ chức tín dụng trong nước đã từng bước xây dựng khung tài chính xanh, hoàn thiện bộ máy, nhân sự để đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng xanh và tăng cường quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong 6 năm qua (2017 - 2023), dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 600.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%).

Cùng ngày, Thống đốc đã tham dự Toạ đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về “Hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chíp bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia của các doanh nghiệp toàn cầu. Chia sẻ tại Toạ đàm, Thống đốc cho biết với vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội. Nhờ việc ứng dụng công nghệ số, nhiều dịch vụ ngân hàng số an toàn, hiệu quả, tiện ích hơn đã được cung cấp. Để có thể số hoá một trong những hoạt động quan trọng nhất của ngành ngân hàng là cung cấp tín dụng hoàn toàn trên kênh số cần thời gian và phải đảm bảo khả năng kết nối các dữ liệu, cả cấu trúc và phi cấu trúc để có đầy đủ thông tin xác thực khả năng trả nợ của khách hàng. Do đó, việc hợp tác phát triển AI hứa hẹn sẽ tạo nền tảng để có khá năng thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ hoạt động cấp tín dụng trên kênh số trong tương lai.

 



Quang cảnh buổi Toạ đàm

Chiều ngày 16/1/2024, Thống đốc đã tham dự các buổi tiếp của Thủ tướng với lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, tài chính, du lịch. Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao bước phát triển của Visa trong thời gian qua nói chung và tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua nói riêng. Thủ tướng mong muốn và hoan nghênh Visa tiếp tục đầu tư, tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam, trong đó có việc hợp tác với NHNN triển khai Chiến lược tài chính toàn diện, phát triển hệ thống tài chính ổn định, bền vững, đa dạng về loại hình, lớn mạnh về quy mô, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

 



Quang cảnh buổi tiếp song phương

Chia sẻ tại buổi tiếp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ghi nhận quá trình hợp tác tích cực của Visa với NHNN, trong đó có hợp tác nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam, hướng tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Phòng HNĐP - Vụ HTQT/sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng