Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và đồng chí Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn hai tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; các nước trên thế giới duy trì lãi suất mức cao… Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế: các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lạm phát còn đối diện với yếu tố tiềm ẩn rủi ro...
Mặc dù vậy, UBND tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý để phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh báo cáo tại buổi làm việc
Tại Bến Tre: GRDP tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 2,63%, quý II tăng 3,4%, quý III tăng 4,36%), giải ngân đầu tư công tiếp tục là điểm sáng với tỷ lệ 59,17% so với kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước (52,11%); mức giảm về xuất khẩu đã giảm so với quý I, Quý II. Các động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều có sự cải thiện; điển hình một số chỉ tiêu như thu ngân sách địa phương đạt 85,36% kế hoạch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 84,46% kế hoạch,...
Tại Vĩnh Long: Chỉ số GRDP, giải ngân đầu tư công có chuyển biến tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,5%; trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 12,26%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,23%, du lịch tăng 59,46%...
Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long chỉ rõ khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội do sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng qua từng tháng nhưng mức tăng còn chậm, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo nên lũy kế sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm so với năm trước. Hoạt động xuất khẩu dần được cải thiện, tuy nhiên ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng chung của tình hình thế giới và trong nước, chưa có thể tạo ra chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài chính và đại diện các Vụ, Cục của NHNN đã trao đổi một số vấn đề tỉnh quan tâm, tình hình xử lý những khó khăn vướng mắc và kiến nghị của tỉnh các tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã nêu ra tại cuộc họp tháng 7. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, lập quy hoạch, tín dụng cho vay, hỗ trợ lãi suất, nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN cho rằng, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu và tình hình tổng quan chung của các tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long trong thời gian qua cho thấy Lãnh đạo 2 tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, Ban, Ngành thực hiện nhiều giải pháp vượt qua khó khăn. Các số liệu tại các báo cáo cho thấy tình hình kinh tế - xã hội của Bến tre và Vình Long có nhiều diễn biến tích cực. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố đa chiều từ quốc tế tới trong nước; hiệu quả hoạt động suy giảm do thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra, phải cắt giảm lao động, chỉ phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp lại sản xuất hoặc phải rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thời gian qua các bộ, ngành đã rất tích cực trong việc xử lý các vấn đề phát sinh của địa phương. Tại Hội nghị này, đại diện các Bộ, ngành đã phát biểu thẳng thắn, giải đáp trực tiếp tình hình xử lý các kiến nghị địa phương. Đại diện một số bộ ngành đã chỉ ra các giải pháp, định hướng và các công việc tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long cần triển khai trong thời gian tới để phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Trung ương đã đề ra.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc
Đánh giá về tình hình xử lý các kiến nghị của hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết:
Đối với tỉnh Bến Tre: Tổng số kiến nghị trước đây tỉnh Bến Tre đã gửi đến Đoàn công tác là 31 kiến nghị, trong đó: 20 kiến nghị đã xử lý (bao gồm các kiến nghị về tín dụng, chương trình hỗ trợ lãi suất, xác định giá đất giải phóng mặt bằng, quy trình/thủ tục đầu tư dự án ODA, dự án đô thị, nhà ở, kiến trúc đô thị do đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, Luật Hợp tác xã (sửa đổi)...); 11 kiến nghị đã và đang tiếp tục xử lý (liên quan đến việc sử dụng ứng dụng quản lý thuế, xác định tiền sử sụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; thủ tục triển khai thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và xin gia hạn thời gian kết thúc Hiệp định vay thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre...).
Đối với 02 kiến nghị bổ sung tại buổi làm việc hôm nay cũng đã được Bộ Kế hoạc và Đầu tư giải đáp trả lời tỉnh; đồng thời, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh trong thời gian tới, và các đơn vị chức năng của NHNN sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với tỉnh Vĩnh Long: Tỉnh Vĩnh Long có 08 kiến nghị đối với Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, Công Thương. Trong đó: 04 kiến nghị về đầu tư, xây dựng; 02 kiến nghị về chính sách tín dụng; 01 kiến nghị về chính sách thuế, phí, lệ phí; 01 kiến nghị về hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại. Đoàn công tác ghi nhận đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Theo đó, đã có 5 kiến nghị đã xử lý (bao gồm các kiến nghị về tín dụng, thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại...); 3 kiến nghị sẽ được xử lý khi các Luật sửa đổi, bổ sung có liên quan ban hành.
Tại buổi làm việc hôm nay, UBND tỉnh Vĩnh Long không có kiến nghị mới phát sinh.
Thống đốc NHNN cho biết, các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, trên cơ sở Báo cáo của các tỉnh, ý kiến của thành viên Đoàn công tác tại buổi làm việc này, Đoàn Công tác sẽ tiếp tục tổng hợp báo cáo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thống đốc NHNN, để hoàn thành với kết quả cao nhất có thể đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được đề ra của Bến Tre và Vĩnh Long, trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhất là tập trung vào ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động ứng phó, thích ứng với tình hình, xử lý công việc theo thẩm quyền; hỗ trợ hiệu quả các động lực tăng trưởng về xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước.
Thay mặt Đoàn Công tác của Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hy vọng tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa; khắc phục và vượt qua khó khăn và hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 đã đề ra.