Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ sớm được gia hạn

28/02/2024 - 18:35
(Bankviet.com) Trước các kiến nghị từ phía các tổ chức tín dụng về việc kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhất trí với kiến nghị của các TCTD, tuy nhiên, kéo dài bao lâu cần được xem xét kỹ. Tuy nhiên, Thông tư sửa đổi sẽ phải được ban hành ngay trong quý I/2023.
giao-dich-4-.jpg
Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ sớm được gia hạn

Kéo dài thời hạn của Thông tư 02 là cần thiết

Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) được NHNN ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Trong quá trình triển khai, NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thực tế cho thấy, kể từ khi Thông tư 02 được ban hành đã tạo điều cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm do phát sinh từ thị trường, tiêu thụ sản phẩm và trong hoạt động sản xuất kinh doanh... Doanh nghiệp được gia hạn nợ, giãn nợ, mà không bị chuyển nhóm nợ, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển.

Số liệu được bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN báo cáo trước Hội nghị trực tuyến toàn ngành “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024” được NHNN tổ chức hồi đầu tuần này cho thấy, tổng lũy kế đến ngày 31/12/2023 đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Thông tư 02 tại hội nghị trên, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, đến cuối tháng 1/2024, Techcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ, đại diện Techcombank kiến nghị, Thông tư 02 cần tiếp tục được gia hạn thêm.

Ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LPBank cũng cho biết, lũy kế tính đến hiện tại, LPBank đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 192 lượt khách hàng, với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi Thông tư 02 đến hạn vào 30/6/2024 cũng là khó khăn, do đó, các ngân hàng mong muốn được NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư 02.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, Thông tư 02 sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp. Bởi, giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm, việc xử lý nợ xấu chậm do tính thanh khoản của thị trường bất động sản giảm sút. Do vậy, việc kéo dài thời hạn của Thông tư 02 là cần thiết.

Trong quý I/2024 sẽ có quy định mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ?

Trước những khó khăn ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị NHNN cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu đến ngày 31/12/2024 thay vì ngày 30/6/2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến ngày 31/12/2025 trích đủ 100%.

“Đối với các khoản nợ được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho phép TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh nhóm nợ theo CIC ngay trong kỳ phân loại nợ (không phải chờ đến kỳ điều chỉnh nhóm nợ theo CIC tiếp theo)”, ông Phạm Toàn Vượng kiến nghị.

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư thêm 12 tháng đến ngày 30/6/2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cũng đề xuất kéo dài thời hiệu của Thông tư 02 đến ngày 30/6/2025.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng kiến nghị, cần gia hạn Thông tư 02 thêm khoảng 12 tháng so với quy định đến hạn vào tháng 6/2024 tới đây để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ. Bởi việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng càng khó hơn nên nhân sự trong các bộ phận thu hồi nợ cũng sụt giảm mạnh.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất NHNN nên xem xét gia hạn Thông tư 02 thêm từ 6 - 12 tháng. Bởi thực tế cho thấy, năm 2024 nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, do vậy, việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và các ngân hàng vượt qua khó khăn.

Nêu quan điểm về việc gia hạn Thông tư 02, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cũng đồng tình với việc cần thiết gia hạn thêm thời gian của Thông tư 02, do thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ. “Tuy nhiên, gia hạn bao lâu thì cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo về khó khăn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế để lấy điểm mốc gia hạn, chứ không thể nói là gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm”, ông Võ Minh nhấn mạnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2024, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 2. Tuy nhiên, trước những khó khăn nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt, Phó Thống đốc nhất trí với kiến nghị của các TCTD về kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 nhưng kéo dài bao lâu cần được xem xét kỹ. Tuy nhiên, Thông tư sửa đổi sẽ phải được ban hành ngay trong quý I/2023.

Đoàn Hằng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ