PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh |
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính, thu nhập lãi thuần của các nhà băng đã bị thu hẹp đáng kể do lãi suất huy động tăng nhanh hơn lãi suất cho vay. Trước những khó khăn của tín dụng, các ngân hàng đang dần dịch chuyển mô hình kinh doanh từ cho vay truyền thống sang dịch vụ tài chính, khi đó thu nhập ngoài lãi từ phí, dịch vụ, đầu tư… sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng thu nhập của ngân hàng.
Ông nhận định thế nào về xu hướng NIM của các nhà băng trong thời gian tới?
Có thể thấy, từ đầu năm 2022, đặc biệt quý III/2022 mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh, trong khi lãi suất cho vay ổn định hoặc chỉ nhích nhẹ do ngân hàng phải thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ khách hàng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đã ảnh hưởng không nhỏ tới NIM của các nhà băng. Trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng cũng không thể nâng lãi suất cho vay cùng tốc độ tăng của lãi suất huy động bởi lẽ nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả làm giảm khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, ảnh hưởng chất lượng tài sản của ngân hàng. Mặt khác, Chính phủ, NHNN cũng yêu cầu các nhà băng tiếp tục tiết giảm chi phí để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Những yếu tố trên tiếp tục còn tác động đến NIM của ngân hàng trong năm 2023. Chi phí vốn tăng nhanh hơn tỷ suất sinh lời khiến cho biên lãi ròng của ngân hàng có thể tiếp tục thu hẹp trong quý tới. Từ giữa năm, kỳ vọng NIM có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ khi lãi suất huy động giảm, sức ép vĩ mô thế giới giảm dần, làm giảm áp lực mặt bằng lãi suất.
Chính vì vậy, một thực tế cần nhìn nhận đó là NIM sẽ không thể dày dặn như trước đây và có sự phân hóa giữa các nhà băng. Với khối NHTM Nhà nước, áp lực về NIM sẽ cao hơn bởi các ngân hàng này luôn là “đầu tàu” trong thực hiện các chủ trương, chính sách của NHNN, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trước áp lực NIM bị thu hẹp, ngân hàng phải làm gì để kết quả kinh doanh không bị tác động lớn, thưa ông?
Thực tế cho thấy, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Theo dõi thị trường có thể thấy, để đối phó với nguy cơ sụt giảm NIM, các ngân hàng đang dịch chuyển mạnh danh mục cho vay, tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn… Đây là nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0, giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu lợi nhuận. Chính vì vậy, trong thời gian qua, đã có một cuộc đua quyết liệt để thu hút CASA bằng việc tích cực số hóa, miễn giảm phí dịch vụ. Tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng đã đạt trên 30% trong tổng huy động vốn, có những ngân hàng đã tiệm cận mức 50%.
Tuy nhiên có thể nhận thấy, tỷ lệ CASA trong một vài quý gần đây đang có dấu hiệu sụt giảm. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế khá khó khăn, lạm phát tăng, giá cả hàng hoá leo thang khiến túi tiền của khách hàng eo hẹp lại cũng đồng nghĩa với việc tiền trong tài khoản thanh toán vơi đi.
Các ngân hàng cần làm gì để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh?
Trước hết, ngân hàng muốn giữ nhịp tăng trưởng cần phải tiếp tục nâng cao khả năng, năng lực quản trị… Việc quản trị tốt cũng góp phần giúp ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện NIM. Đi kèm với đó là tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ để tăng thu từ mảng này. Hiện, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mảng dịch vụ như thanh toán, bảo hiểm… những dịch vụ này phát triển sẽ giúp tăng tỷ trọng thu nhập từ ngoài lãi, cải thiện NIM của ngân hàng.
Trong kỷ nguyên số hóa, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi ngân hàng số, tăng trải nghiệm cho khách hàng… từ đó mang lại lợi ích lâu dài, giảm bớt chi phí giao dịch cho chính ngân hàng, tăng hiệu quả lợi nhuận biên.
Xin cảm ơn ông!
Hạ Chi -