Công bố 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác ngành văn hoá, thể thao và du lịch |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch sáng ngày 3/1/2024, ngoài ghi nhận những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức đối với ngành văn hoá, thể thao và du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tiềm năng lớn, nhưng thể chế, cơ chế, chính sách cho văn hoá, thể thao và du lịch còn hạn hẹp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc chưa hoàn thiện; chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch sáng ngày 3/1/2024. Ảnh: Trần Huấn |
Công tác phối hợp trong ngành và giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong liên kết phát huy, khai thác các di sản. Việc huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư cho lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch còn hạn chế, do đó phải tháo gỡ khó khăn dần từng bước (ví dụ như trong khai thác sân vận động Mỹ Đình, hay khai thác các công viên…).
Chưa phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Đời sống vật chất và tinh thần của một số nghệ sĩ, vận động viên... còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp hơn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ. Lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.
Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, mà phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực văn hoá thể thao và du lịch.
Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xác định, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung, cụ thể:
Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hoá, thể thao và du lịch.
Thứ hai, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững.
Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong việc bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, nhân cách con người, đề cao chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội. Xây dựng văn hóa số, văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử và bản sắc dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch sáng ngày 3/1/2024. Ảnh: Trần Huấn |
Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao. Đổi mới phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030.
Đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế, đề xuất các giải pháp có tính đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng vận động viên trẻ tài năng…
Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).
Thủ tướng yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Trần Huấn |
Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ; chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp đối với những người làm việc trong ngành văn hoá, thể thao và du lịch.
Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người "từ trái tim tới trái tim". Quan tâm thúc đẩy, bảo đảm tiếp cận bình đẳng về văn hóa, thể thao, du lịch với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là với những người yếu thế.
Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương, giữa các địa phương, giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thể thao, lĩnh vực du lịch.
Bảo Thoa