Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong khoa học phải có khát vọng, niềm tin

18/05/2023 - 05:07
(Bankviet.com) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong khoa học, phải có ước mơ, hoài bão; phải có nhiệt huyết, đam mê; phải có khát vọng, niềm tin...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới

Chiều 17/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học và công nghệ phải lấy thực tiễn làm thước đo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5

Mở đầu bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của triết gia người Thụy Sĩ - Henri Frederic Amiel “xã hội phát triển nhờ khoa học”, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức mới, lại càng thấy rõ vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nền khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Theo Thủ tướng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm gần đây, lĩnh vực khoa học và công nghệ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Việt Nam là quốc gia đạt tiến bộ và có tiềm năng lớn với giá trị ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm, tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ thông qua các quỹ, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm và các loại hình liên kết... Chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới.

Cùng với đó, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ngày càng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học nữ, khoa học trẻ đã có những nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Thị trường khoa học và công nghệ đã được hình thành, bước đầu phát huy tác dụng và đạt một số kết quả tích cực.

Lấy thực tiễn làm "thước đo" của sự thành công

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học và công nghệ phải lấy thực tiễn làm thước đo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về hoá phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, chế tạo

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm phát triển khoa học và công nghệ. Theo đó, phát triển khoa học và công nghệ phải phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công. Nghiên cứu khoa học vừa phải tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực cơ bản, nền tảng, mang tính lý thuyết, vừa phải giải quyết những nút thắt mà thực tế đặt ra; đồng thời có tính định hướng, dẫn dắt cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.

Bám sát các xu hướng của thế giới, phát triển khoa học và công nghệ cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù, có thế mạnh của Việt Nam để bứt phá, tạo sự khác biệt, đi tiên phong trong khu vực và thế giới.

Nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực thúc đầy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc.

Khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở tất cả các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, không phân biệt khu vực miền xuôi hay miền núi, biên giới, hải đảo, bất kể người Việt Nam trong nước hay ở nước ngoài.

"Trong khoa học, phải có ước mơ, hoài bão; phải có nhiệt huyết, đam mê; phải có khát vọng, niềm tin; phải có mục tiêu, lý tưởng; phải có sự nỗ lực và kiên trì; phải có lòng tự trọng và niềm tự hào dân tộc; phải có tinh thần xả thân vì khoa học, dám đối diện với thất bại để thành công" - Thủ tướng nêu đề nghị.

Tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học và công nghệ phải lấy thực tiễn làm thước đo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ tại sự kiện

Cùng với đó, có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư cho khoa học và công nghệ. Tạo sự đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.

Đồng thời, tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài khoa học và công nghệ; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong nước và nước ngoài. Tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm môi trường tự do học thuật và tự chủ trong nghiên cứu.

Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ khoa học và công nghệ; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp cần coi hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan tâm, khuyến khích để người lao động không ngừng cải tiến, sáng tạo trong lao động. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và hấp thụ công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.

Về phía các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu về khoa học và công nghệ, các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng tuyên truyền về các mô hình hoạt động khoa học và công nghệ thành công, các sáng kiến hay được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh để khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ý tưởng, sáng kiến phát triển khoa học công nghệ. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quốc gia học tập, quốc gia khởi nghiệp, quốc gia đổi mới sáng tạo, không ngừng đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học, để niềm đam mê này tiếp tục được trao truyền, lan tỏa sang các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển khoa học, công nghệ, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương