Đây là sự kiện đầu tiên trong chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ khởi công, kiểm tra các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện "mừng Đảng, mừng Xuân" này trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), mừng xuân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thể hiện tinh thần làm việc quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của tỉnh Bình Dương năm 2024, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung, cùng cả nước đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%, phấn đấu để thời gian tới tăng trưởng 2 con số; rà soát, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát các nhiệm vụ, tiếp tục phát huy truyền thống nhiều năm qua các thế hệ, tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, là tỉnh kiểu mẫu cho cả nước học tập, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp tích cực trong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực.
Thủ tướng mong muốn Bình Dương tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, tiên phong trong triển khai quy hoạch vùng, tiên phong thu hút đầu tư chất lượng cao, tiên phong phát triển hạ tầng kết nối vùng, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, hùng cường, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Với việc triển khai dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương rà soát lại các thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tính toán lại tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào ngày 2/9/2026 (sớm hơn dự kiến là năm 2027); bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; kiểm tra, đôn đốc, chăm lo việc tái định cư cho nhân dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát với trách nhiệm cao nhất phải bám sát mục tiêu, yêu cầu, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ, đúng thủ tục, quy trình thi công; làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua dông bão", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.
Nhấn mạnh dự án TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và kéo dài lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) có ý nghĩa chiến lược, Thủ tướng nêu rõ, dự án này phần lớn đi qua tỉnh Bình Dương, rất quan trọng với Bình Dương, nhưng với Tây Nguyên còn quan trọng hơn, "có con đường này thì Đắk Nông mới thoát nghèo được, Bình Phước mới giàu lên được".
Do đó, Thủ tướng yêu cầu TP.Hồ Chí Minh khẩn trương đầu tư càng sớm càng tốt đoạn tuyến 3 km thuộc địa phận TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước đẩy nhanh việc triển khai đoạn tuyến 7 km còn lại qua tỉnh với tinh thần không trông chờ, ỷ lại và mục tiêu hoàn thành trong năm 2025 để nối thông toàn tuyến khi đoạn qua Bình Dương hoàn thành.
Dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối từ đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đây là cao tốc đầu tiên kết nối TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và sẽ tiếp tục liên thông với cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối lên Tây Nguyên.
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 59,2 km, trong đó đoạn qua Bình Dương dài 52,1 km; qua Bình Phước 7,1 km. Ngoài ra còn đoạn nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài khoảng 7 km gồm 4 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư quy mô đường đô thị 8 làn và 3 km địa phận TP.Hồ Chí Minh chưa đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển cho các địa phương, mở ra không gian phát triển mới. Khi dự án đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa hoàn thành sẽ kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương trong khu vực và cả nước.
Dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành giai đoạn 1 vừa khởi công được đầu tư với quy mô 4 làn xe; tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng, riêng chi phí xây lắp hơn 8.833 tỷ đồng, được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP); thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực; dự kiến hoàn thành năm 2027.
Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước (BCMC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.
Liên danh nhà đầu tư dự án là sự kết hợp giữa các đơn vị trong hệ sinh thái Becamex - doanh nghiệp Nhà nước chủ lực của tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư - tổng thầu thi công - quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.
Nhân dịp này, tỉnh Bình Dương trao quyết định đầu tư xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội với tổng số vốn gần 8.500 tỷ đồng, dự kiến đem đến 9.200 căn hộ là mái ấm cho người lao động, người dân có thu nhập thấp; trao giấy phép đầu tư 8 dự án đầu tư nước ngoài (gồm các dự án cấp mới và dự án điều chỉnh) với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Minh Hoàng