Thu về gần 1,6 tỷ USD nhưng xuất khẩu tôm đang đối diện với thách thức cạnh tranh lớn

24/07/2024 - 17:14
(Bankviet.com) Nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%. Tuy nhiên, mặt hàng này đang đối diện với những thách thức cạnh tranh từ thị trường nhập khẩu.
Dự báo nào cho xuất khẩu tôm tại 5 thị trường lớn? Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu tôm hùm tăng 57 lần

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 6/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng này đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 328 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, xuất khẩu tôm sang thị trường này sau khi giảm trong tháng 5, đã tăng trở lại trong tháng 6.

Thu về gần 1,6 tỷ USD nhưng xuất khẩu tôm đang đối diện với thách thức cạnh tranh lớn
Thu về gần 1,6 tỷ USD nhưng xuất khẩu tôm đang đối diện với thách thức cạnh tranh lớn

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm trong tháng 5, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trở lại trong tháng 6.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 229 triệu USD và 149 triệu USD, giảm lần lượt 3% và 10% so với cùng kỳ.

Theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm.

Với Nhật Bản, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.

Đối với thị trường EU, sau quý I/2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng tốt. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, VASEP dự báo, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh. Nguyên nhân là do ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ.

Như với thị trường Trung Quốc, những tháng cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường này do Hoa Kỳ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con.

Với thị trường Hoa Kỳ, lạm phát vẫn cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Hoa Kỳ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Hoa Kỳ.

Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.

Đối mặt với rất nhiều khó khăn, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang chủ động có chiến lược cho riêng mình. Như với thị trường Hoa Kỳ, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Có doanh nghiệp cũng đưa ra những giải pháp chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương