Thua lỗ 4 năm liền, Vietnam Airlines (HVN) nêu lộ trình khắc phục

02/02/2024 - 21:59
(Bankviet.com) Vietnam Airlines có năm thứ 4 thua lỗ liên tiếp. Điều này đã khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm 40.957 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của âm 16.945 tỷ đồng, vi phạm các quy định của HOSE và khiến cổ phiếu HVN có nguy cơ bị huỷ niêm yết.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Công ty CP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN), hãng bay này đã trở lại tình trạng kinh doanh dưới giá vốn sau 9 tháng khắc phục.

Thua lỗ 4 năm liền, Vietnam Airlines (HVN) nêu lộ trình khắc phục
Vietnam Airlines có năm thứ 4 thua lỗ liên tiếp

Ba tháng cuối năm, thị trường phục hồi, sản lượng vận chuyển gia tăng, đã kéo doanh thu thuần của Vietnam Airlines tăng 23% so với cùng kỳ, lên mức 23.831 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán vượt doanh thu, lên tới 24.040 tỷ đồng, hãng hàng không quốc gia báo lỗ gộp 189 tỷ đồng. Đây được xem là một sự “đi lùi” khi 3 quý đầu năm nay, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines vẫn có lãi. Tuy nhiên, nếu so với khoản lỗ 1.078 tỷ đồng ghi nhận năm 2022, kết quả trên đã cải thiện hơn rất nhiều.

Điểm sáng hiếm hoi trong kỳ kinh doanh này là chi phí tài chính và chi phí bán hàng được Vietnam Airlines tiết giảm mạnh mẽ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ghi nhận thêm 285 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Sau cùng, hãng hàng không quốc gia báo lỗ sau thuế 1.982 tỷ quý IV, giảm 42% so với cùng kỳ. Vietnam Airlines lý giải, khoản thua lỗ “nhẹ” đi là nhờ công ty mẹ giảm lỗ, trong khi các công ty con như NCS, VACS, NCTS, Skypec… có lãi hơn so với quý IV năm 2022. Tuy nhiên, kết quả này cũng chẳng thể đem lại niềm vui cho Vietnam Airlines hay các cổ đông của hãng khi mà tình trạng thua lỗ đã kéo dài 16 quý liên tiếp.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của Vietnam Airlines tăng tới 30%, đạt xấp xỉ 91.459 tỷ đồng. Nhờ 3 quý đầu năm khởi sắc, doanh nghiệp báo lãi gộp 3.939 tỷ đồng và đánh giá, đây là kết quả khả quan trong giai đoạn phục hồi sau Covid và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Dù vậy, sau cùng, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 5.517 tỷ đồng. Nhìn một cách tích cực, khoản lỗ này đã giảm hơn một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, cần biết, doanh nghiệp đã thua lỗ 4 năm liên tiếp và điều này đã khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm 40.957 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của âm 16.945 tỷ đồng.

Thua lỗ 4 năm liền, Vietnam Airlines (HVN) nêu lộ trình khắc phục
Vietnam Airlines chưa thể thoát lỗ

Giải trình về việc chưa thể thoát lỗ trong năm 2023, Vietnam Airlines cho hay, hãng đã chủ động triển khai các giải pháp ngắn hạn và giải hạn để giảm thiếu thiệt hại do dịch bệnh Covid và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền. Tuy nhiên, thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình thị trường vận tải hàng không cả trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn do suy giảm cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh. Thêm vào đó là các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Plastine tại Dải Gaza và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng. Vietnam Airlines cũng nói thêm, theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, đồng thời tin tưởng rằng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024 – 2025.

Đáng nói, việc lỗ ròng 4 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu đã đặt cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào nguy cơ bị huỷ niêm yết. Tuy nhiên, mã này vẫn còn một chiếc “phao cứu sinh” là dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán. Cụ thể, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”. Nếu điều khoản dự thảo bổ sung này được thông qua và Chính phủ đồng ý để cổ phiếu HVN ở lại, mã này sẽ tiếp tục được giao dịch trên sàn HOSE.

Hiện tại, cổ phiếu HVN vẫn đang trong tình trạng bị kiểm soát. Giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục, Vietnam Airlines cho biết, hãng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022 - 2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2024, hãng hàng không quốc gia sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2203, tổng tài sản của Vietnam Airlines ghi nhận ở mức 57.617 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, hãng bay này đang nắm giữ khoảng 3.475 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 6.053 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả lên tới 74.562 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tổng nợ vay ghi nhận ở mức 27.368 tỷ đồng, bao gồm 17.527 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 9.841 tỷ đồng tiền nợ vay dài hạn. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, năm qua, Vietnam Airlines đã vay tổng cộng 38.288 tỷ đồng, đồng thời trả nợ gốc khoảng 39.596 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay cả năm là 1.555 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, Vietnam Airlines tự tin cân đối thu chi vào năm 2024

Với việc tích cực triển khai đề án tái cơ cấu, lãnh đạo Vietnam Airlines tự tin rằng hãng bay này sẽ cân đối được ...

Cổ phiếu HVN đón tin vui cuối năm, vì sao cổ đông vẫn chưa "an lòng"?

Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ rời diện cảnh báo trong thời gian tới. Đây là tin vui hiếm hoi của ...

Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) có chuỗi thăng hoa dù đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Nhờ tổ chức thành công họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tuần trước đã giúp cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán