Thúc đẩy triển khai thực hiện các Thông tư hướng dẫn Nghị định 52

08/11/2024 - 16:53
(Bankviet.com) Chiều ngày 07/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi làm việc trực tiếp kết hợp trực truyến với một số đơn vị thuộc NHNN, ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán,… nhằm kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.
Chiều ngày 07/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi làm việc trực tiếp kết hợp trực truyến với một số đơn vị thuộc NHNN, ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán,… nhằm kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.
 

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc

Theo đó, các Thông tư hướng dẫn của NHNN bao gồm: Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17); Thông tư 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về thẻ ngân hàng (Thông tư 18) và Thông tư 40/2024/TT-NHNN ngày 17/7/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 40).

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực bước đầu và tinh thần chủ động của các tổ chức, đơn vị ngành ngân hàng trong triển khai các văn bản hướng dẫn Nghị định 52. Thông tư 17, 18 và 40 được ban hành đã củng cố khung pháp lý hiện có về hoạt động thanh toán, là cơ sở giúp các ngân hàng đã cơ bản hoàn thành rà soát, phân loại tài khoản; thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học nhằm bảo vệ người dùng, nâng cao an ninh, bảo mật hệ thống.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại buổi làm việc

Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc triển khai các thông tư này không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hoạt động thanh toán trên môi trường số, mà còn là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội cao cả mà toàn Ngành phải lưu tâm thực hiện; trong đó lưu ý việc đáp ứng các quy định về hiệu lực thi hành tại các Thông tư này. Các tổ chức, đơn vị liên quan cần có nghiên cứu và đề xuất kế hoạch điều chỉnh phù hợp, nhất là khi hiện nay khi các hành vi tấn công tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, bài bản và khó dự đoán.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, trung gian thanh toán đã báo cáo trực tiếp tiến độ triển khai thực hiện 03 Thông tư của tổ chức, đơn vị mình; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi phương thức thúc đẩy quá trình thực hiện các Thông tư trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, đúng trọng tâm, trọng điểm của các đại biểu tham dự buổi làm việc. Phó Thống đốc ghi nhận những kết quả bước đầu mà các tổ chức, đơn vị đã đạt được trong thời gian triển khai vừa qua; cũng như các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các Thông tư về thanh toán không tiền mặt, về thẻ ngân hàng và dịch vụ trung gian thanh toán.

Để các bước tiếp theo công tác triển khai, phối hợp liên quan đến Thông tư 17, 18 và 40 được thực hiện hiệu quả hơn nữa, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục rà soát việc thực hiện quy định về chữ ký điện tử, tài khoản doanh nghiệp tại các TCTD, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố liên tục cập nhật tiến độ thực hiện, tích cực phối hợp với các TCTD trên địa bàn thực hiện rà soát và “làm sạch” tài khoản.

Các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần liên tục đốc thúc, kiểm tra thực hiện của các TCTD, doanh nghiệp về việc ban hành văn bản hướng dẫn đúng tiến độ, đốc thúc các chi nhánh trực thuộc TCTD trên địa bàn nâng cao tính tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo, yêu cầu đã được ban hành chung cho ngành,…

Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng tăng cường công tác đào tạo, bổ sung kiến thức nghiệp vụ toàn diện cho các cán bộ tại đơn vị mình để đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả trong triển khai hướng dẫn văn bản; tham khảo các đơn vị trong hệ thống để nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp áp dụng phù hợp,…

Theo sbv.gov.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng