Thuế suất cao, xuất khẩu mật ong lao đao

15/08/2023 - 23:05
(Bankviet.com) Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất khẩu mật ong lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu mật ong sang 2 thị trường này đang gặp khó khăn.
9 tháng năm 2022, xuất khẩu mật ong đạt khoảng 41 triệu USD Xuất khẩu mật ong vào EU: Phải xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng

Đây là thông tin được ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức mới đây.

xuất khẩu mật ong
Từ năm 2022 đến nay, xuất khẩu mật ong của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm mạnh

Theo ông Đinh Quyết Tâm, Việt Nam xuất khẩu mật ong từ năm 1985. Từ thời gian đó đến nay, Việt Nam đã qua 5 lần thanh tra của EU, 2 lần kiểm tra của Hoa Kỳ. Trong lần đánh giá mới đây nhất của EU, họ đã công nhận sản xuất mật ong của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của EU. Việc đáp ứng được các yêu cầu từ các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ đã giúp cho ngành ong của Việt Nam đứng vững được đến giờ này.

Dù vậy, ông Đinh Quyết Tâm cũng thừa nhận một thực tế, so với nhu cầu và yêu cầu của thị trường EU và Hoa Kỳ thì cơ sở vật chất của chúng ta còn yếu, thiết bị còn thiếu và càng ngày càng thiếu.

Năm 2021 là năm Hội các nhà Nuôi ong Hoa Kỳ nộp đơn đề nghị lên cơ quan chức năng yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với mật ong từ một số quốc gia xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Tháng 5/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam.

Với quyết định được đưa ra sau đó của DOC, Việt Nam là nước phải chịu thuế chống bán phá giá cao nhất trong số 5 nước bị điều tra, lên đến con số 58,74% - 61,27%. Do đó, từ năm 2022 đến nay, xuất khẩu mật ong của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đều bị sụt giảm.

Trong khi với thị trường Hoa Kỳ, mật ong Việt Nam phải đối diện với thuế chống bán phá giá thì với thị trường EU, mặt hàng này phải đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn rất khắt khe. Ông Đinh Quyết Tâm cho hay, nếu như trước đây họ chỉ giám sát chất tồn dư (trong lĩnh vực thu y), thì đầu năm nay họ đưa ra ý kiến và cho rằng mật ong Việt Nam có vấn đề về chất lượng.

"Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ngay lập tức có những phản hồi", ông Đinh Quyết Tâm thông tin.

Về thuốc thú ý, trước đây, khi phía EU sang thanh tra, họ yêu cầu giải thích thuốc thú y trong nuôi ong là gì, và quan điểm của họ đó là không sử dụng bất cứ loại thuốc kháng sinh nào trong nuôi ong. Mặc dù họ có cho dư lượng, nhưng họ chỉ khuyến khích cho dùng axít hữu cơ.

Bên cạnh đó, theo quy định của thế giới, đã cho ong ăn thì không được thu hoạch. Quy định của EU rất chặt chẽ về chất lượng mật ong. Mật ong xuất khẩu vào EU, nếu trộn của các nước nào thì cần ghi rõ trên nhãn hiệu. Không chỉ quy định xuất xứ của nước trộn mà còn quy định tỷ lệ là bao nhiêu.

Liên quan đến các vấn đề này, bà Huỳnh Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Thú y cộng đồng - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, về vấn đề nuôi ong, các nhiệm vụ đã phân cấp về địa phương. Do đó, địa phương cũng cần có trách nhiệm trong việc xuất khẩu sản phẩm mật ong. Về trình tự, kiểm dịch sản phẩm sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Những nội dung liên quan đến tỷ lệ pha trộn mật ong như Hội Nuôi ong Việt Nam phản ánh, đại diện Cục Thú y cam kết sẽ trao đổi thêm theo định hướng đảm bảo, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường.

Cũng theo bà Bình, sau khi EU chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu mật ong vào thị trường này, hàng năm, Cục Thú y phải gửi báo cáo giám sát dư lượng mật ong năm trước và kế hoạch năm tiếp theo để EU đánh giá. Kết quả đánh giá đạt yêu cầu thì EU mới trả lời chính thức là Việt Nam có được tiếp tục xuất khẩu vào thị trường EU hay không.

Việc kiểm tra thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua mật ong thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến mật ong thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương