Thương mại điện tử: 'Cơ hội vàng' cho nông sản miền núi

25/05/2025 - 17:12
(Bankviet.com) Vận chuyển nhanh, chi phí hợp lý, thương mại điện tử được đánh giá là kênh tiêu thụ vô cùng hiệu quả cho nông sản miền núi.
Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng Nông sản miền núi: Bắt nhịp tiêu dùng xanh, tăng sức mua Giải ‘bài toán’ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa

Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành tiêu thụ nông sản miền núi

Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu ái có rất nhiều nông sản đa dạng, đặc biệt là sản phẩm của khu vực miền núi. Trong đó có nhóm chín rộ theo mùa như bơ Đắk Lắk, vải thiều Bắc Giang, cam Cao Phong, mận Mộc Châu…

Thương mại điện tử: 'Cơ hội vàng' cho nông sản miền núi
Bưu điện Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ mận hậu qua sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn (Ảnh: Vietnam Post)

Trong hành trình kết nối nông sản Việt năm 2025, sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn trực thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng người nông dân Sơn La tiêu thụ mận hậu, đặc sản trứ danh của vùng Tây Bắc – thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và bán hàng trực tuyến.

Vào dịp Ngày hội hái mận lần thứ I năm 2025 tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu do Ủy ban nhân dân huyện Yên Châu tổ chức vào ngày 23/5, Bưu điện Việt Nam đã trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tổ chức livestream bán hàng trên nền tảng số của Bưu điện Việt Nam và trên nền tảng mạng xã hội của các KOL, KOC tham gia quảng bá sản phẩm. Đây là dịp để quảng bá đặc sản mận hậu – quả ngọt gắn liền với đất và người Sơn La, đồng thời là cơ hội để người tiêu dùng trên cả nước tiếp cận nông sản tươi ngon, chính gốc, được vận chuyển nhanh chóng qua hệ thống logistics của Bưu điện

Cùng với nongsan.buudien.vn, sàn thương mại điện tử Sendo Farm cũng đã lập một bản đồ nông sản Việt, tương ứng từng mùa vụ và cam kết sản lượng đầu ra.

Cứ mỗi nơi mỗi mùa, siêu thị online này sẽ xuống tận vùng trồng để đánh giá quy chuẩn đầu vào, xúc tiến việc mở bán như livestream tại vườn, quảng bá trên các nền tảng trực tuyến. Sendo Farm từng tổ chức nhiều buổi kết nối và livestream tận vườn để hỗ trợ người nông dân như tiêu thụ bắp cải ở Sơn La, khoai sọ ở Yên Bái...

Những năm vừa qua, nông sản miền núi đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên sàn thương mại điện tử. Để chuẩn bị cho mùa nông sản thu hoạch rộ, ngày 24/5/2025, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lai Châu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử: Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 hợp tác xã, hộ kinh doanh và đơn vị sản xuất tiêu biểu từ khu vực, cùng hơn 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức xúc tiến thương mại.

Hội nghị “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc” được tổ chức với mục tiêu quan trọng và xuyên suốt: Kết nối nguồn lực - Mở rộng thị trường - Chuyển đổi phương thức phát triển cho khu vực còn nhiều tiềm năng. Hội nghị nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển liên kết vùng trong thương mại điện tử, thông qua chuỗi hoạt động phong phú: Tập huấn, Hội thảo chuyên đề, Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác… qua đó tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử gắn với thực tiễn địa phương, nơi các bên cùng nhìn về một hướng, cùng hành động để mở ra những cơ hội phát triển mới cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Thương mại điện tử chính là một trong những trụ cột then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như vùng Trung du và miền núi phía Bắc”.

Liên kết vùng: Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) với các doanh nghiệp nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok Việt Nam và đại diện Sở Công Thương các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Mục tiêu của hợp tác này là hỗ trợ triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng số, phát triển hạ tầng thương mại điện tử và thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử giữa Sở Công Thương các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên với các doanh nghiệp vùng trung du và miền núi phía Bắc. Việc ký kết là minh chứng cho sự cam kết đồng hành, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các địa phương trong việc thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và bền vững tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Theo đó, Bưu điện Việt Nam sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hoàn thiện quy trình vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử, từng bước mở rộng ra liên vùng nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử nội địa và hướng tới triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như nhiều hoạt động cụ thể khác…

Sự kiện cũng tổ chức các hội thảo, hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ số; triển lãm các mô hình công nghệ số và sản phẩm đặc trưng vùng miền với 50 gian hàng; tổ chức phiên Mega Livestream trực tiếp thông qua nền tảng TikTok Shop.

Để thương mại điện tử phát triển bền vững tại các vùng miền núi, việc nâng cao kỹ năng số cho người dân là yếu tố then chốt. Trong khuôn khổ sự kiện, các hoạt động đào tạo, tập huấn gắn với thực hành cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh, lực lượng khởi nghiệp trẻ đã được tổ chức. Những phiên livestream quảng bá sản phẩm vùng cao, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng trên cả nước thông qua nền tảng số đã giúp người dân tiếp cận và làm quen với các công cụ số, từ đó nâng cao năng lực kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với sự hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử và chính sách thúc đẩy từ các cơ quan quản lý, nông sản miền núi như chè Shan tuyết, gạo Séng Cù, mật ong bạc hà, các loại dược liệu quý, sản phẩm thổ cẩm, thủ công truyền thống... đã có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Thương mại điện tử không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tạo điều kiện để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quy trình sản xuất và giá trị văn hóa của từng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội lớn cho nông sản miền núi, nhưng để phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Việc xây dựng hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển chuỗi cung ứng và đảm bảo chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng để thương mại điện tử thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế vùng miền núi phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương