TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử
Tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ từ 16-30%/năm. Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2023 của Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 là tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.
Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Trong vài năm gần đây, dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Hoạt động xuất khẩu trực tuyến hình thức doanh nghiệp (doanh nghiệp) tới người tiêu dùng cuối cùng (B2C Cross Border Ecommerce) bước sang giai đoạn mới.
Lĩnh vực công nghệ giáo dục tiếp tục tăng trưởng với những cơ hội thị trường mới. Đồng thời, sự tăng trưởng nhanh của lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ đã tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt là phát sinh lượng lớn rác thải nhựa.
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, đứng thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm. Điểm trung bình của chỉ số năm nay là 23,1 điểm. Khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh so với tỉnh thấp nhất trong bảng xếp hạng là 76,4 điểm.
Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử các tỉnh/thành phố Việt Nam năm 2024. |
Đáng chú ý, báo cáo năm nay nhấn mạnh nội dung rác thải nhựa từ thương mại điện tử, nhằm kêu gọi các các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia góp phần giảm tác động của thương mại điện tử đến môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Xuất khẩu trực tuyến tới người tiêu dùng ở nước ngoài tăng mạnh và sẽ tạo ra xu hướng mới của thương mại điện tử nước ta. Thương mại điện tử cũng lan tỏa ngày càng sâu vào các ngành như giáo dục, y tế và môi trường.
Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán. Có tới 77% người tiêu dùng số đã từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream.
Tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng có thể nói, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử mới chỉ chiếm 8% trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, thấp hơn mức trung bình 19,4% của thế giới. Hơn nữa, vấn đề vi phạm người tiêu dùng trong thương mại điện tử còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong việc phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, thương mại điện tử nói chung cũng đang bộc lộ một số yếu tố chưa thực sự bền vững.
“Đặc biệt, chúng ta chứng kiến nhiều xu hướng mới trên thương mại điện tử, nếu Việt Nam không theo kịp sẽ khiến thương mại điện tử Việt Nam chững lại, không phát huy tiềm năng”, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở một số thành phố lớn. Đối với các địa phương cũng mong muốn để có thể thu hẹp khoảng cách này. Đặc biệt, sự liên kết giữa các nội vùng cũng như là các vùng để tận dụng cơ hội hiệu quả như là nguồn lực, nguồn nguyên liệu hay là vận chuyển logistics.
Tạo tăng trưởng bền vững cho thương mại điện tử
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, từ năm 2019, VECOM đã đề xuất chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững và những năm qua đã tích cực triển khai một số hoạt động cụ thể. Trong thời gian tới các địa phương cũng như TP.HCM và Hà Nội sẽ có những thay đổi và càng ngày càng cố gắng cùng nắm tay phát triển bền vững các hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Về công thức thành công để tăng trưởng bền vững, ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng Giám đốc điều hành Accesstrade Việt Nam nêu dẫn chứng về các “ông lớn” thương mại điện tử như: Shein, Temu, Shopee… liên tục tăng trưởng là nhờ marketing hiệu quả qua việc sử dụng nội dung giới thiệu đa dạng, xuất hiện một cách chất lượng tới người tiêu dùng, thu hút khách hàng trên mọi điểm chạm và tăng giá trị “vòng đời” khách hàng thông qua tăng số lần mua, tăng giá trị mua, tăng số người giới thiệu.
Còn theo ông Thái Hữu Lý - Trưởng phòng Phát triển dịch vụ, Trung tâm Internet Việt Nam, doanh nghiệp cần xây dựng tên miền “.vn” làm cơ sở cho nhận diện thương hiệu số, đồng thời cũng là yếu tố quyết định trong việc tạo dựng niềm tin, bảo đảm an toàn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà Lê Hoàng Oanh cho biết, tới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tham mưu với Bộ Công Thương trình Chính phủ định hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2026-2030, trong đó, tập trung các giải pháp về phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các tỉnh, thành phố. Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Theo đó, Bộ này sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; triển khai mô hình Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới…
Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2024 (Vietnam Online Business Forum 2024) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức với chủ đề “Thương mại điện tử bền vững” tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức nhằm mang đến một góc nhìn toàn cảnh về thương mại điện tử trong năm vừa qua cũng như cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất về thương mại điện tử thông qua nghiên cứu thị trường về hành vi người tiêu dùng thông minh hay tổng quan về thị trường và những xu hướng nổi bật trong năm 2024. |
Mất gần 3 tỷ đồng vì đầu tư vào website thương mại điện tử giả mạo Mới đây, thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang Thương mại ... |
Thương mại điện tử hiện gam màu sáng, các ông lớn bán lẻ kiếm hàng chục nghìn tỷ đồng Theo số liệu của Metric, trong quý I/2024, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam vượt ... |
Các thiết bị kích sóng điện thoại di động bị cấm bán trên sàn thương mại điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến gỡ bỏ ... |
Anh Vũ