Theo cuốn "Triển vọng và Thống kê thương mại toàn cầu" của WTO, thương mại hàng hóa toàn cầu đã chuyển hướng tăng trong nửa đầu năm 2024 với mức tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 và dự báo tăng khoảng 3% trong năm 2025.
Trước đó, trong năm 2023, thương mại toàn cầu đã giảm 1,1% do lạm phát cao và lãi suất tăng. Tăng trưởng GDP toàn cầu thực tế theo tỷ giá hối đoái thị trường dự kiến sẽ duy trì ở mức 2,7% trong năm 2024 và năm 2025.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO cho biết, thương mại toàn cầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ phục hồi dần dần. Tuy nhiên, vẫn cần hết sức thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt, nguy cơ leo thang của các cuộc xung đột khu vực như ở Trung Đông, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với các quốc gia có liên quan trực tiếp mà còn tác động tiêu cực đến giá năng lượng toàn cầu và các tuyến đường thương mại.
Thống kê theo từng khu vực, trong năm 2024, châu Âu dự kiến sẽ giảm 1,4% lượng xuất khẩu và 2,3% lượng nhập khẩu. Nền kinh tế Đức đã giảm 0,3% trong quý II/2024, với các chỉ số sản xuất đạt mức thấp nhất trong vòng 12 tháng vào tháng 9/2024. Sự giảm sút ở các ngành ô tô và hóa chất đã làm xuất khẩu của châu Âu giảm xuống và có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng rộng lớn của ngành này. Trong khi đó, xuất khẩu hóa chất hữu cơ - một số liên quan đến thuốc có xu hướng bình thường trở lại sau khi tăng mạnh trong Đại dịch COVID-19.
Châu Á sẽ là khu vực có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong năm nay, lượng xuất khẩu dự báo tăng 7,4% trong năm 2024. Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu của các nền kinh tế chính trong khu vực như Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Ngược lại, nhập khẩu của châu Á cho thấy xu hướng khác biệt với sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các nền kinh tế khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam đang tăng mạnh.
WTO cũng dự báo thương mại hàng hóa của khu vực Nam Mỹ được dự báo đang phục hồi vào năm 2024 ở cả xuất khẩu và nhập khẩu với mức tăng trưởng lần lượt là 4,6% và 5,6%. Trong khi đó, châu Phi được dự báo tăng 2,5% về xuất khẩu và 1% về nhập khẩu.
Đối với các nước kém phát triển nhất, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 1,8% trong năm 2024, chậm hơn mức tăng trưởng 4,6% của năm 2023; nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 5,9% vào năm 2024. Các dự báo này dựa trên ước tính tăng trưởng GDP của các nước này là 3,3% vào năm 2023; 4,3% vào năm 2024 và 4,7% vào năm 2025.
Theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 9 năm 2024 đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với tháng trước và tổng trị giá nhập khẩu đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 1,98 tỷ USD) so với tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 năm 2024 xuất siêu 2,29 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng từ đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 81,09 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 39,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và tổng trị giá nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 41,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 xuất siêu 20,79 tỷ USD.
M.Đ