Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) -

08/09/2022 - 14:23
(Bankviet.com) Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong phiên họp chiều ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng quy định rõ định nghĩa về tài sản bảo đảm phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự và các luật liên quan.

Chiều ngày 7/9, Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Phát biểu điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại 1 Kỳ họp. Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đảm bảo an ninh tài chính trước những diễn biến phức tạp của thế giới và sự phát triển của khoa học công nghệ, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền.

Toàn cảnh hội nghị

Nhiều khuyến nghị nhằm hoàn thiện dự án Luật

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc xây dựng Luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm.

Bày tỏ băn khoăn đối với quy định liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc kinh doanh bất động sản cần phải có một điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với từng thời kỳ dấu hiệu đáng ngờ vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo của Luật là những công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ mobile money; xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới, khác với công nghệ đang sử dụng về phòng, chống rửa tiền; quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, cần lược bỏ các quy định yêu cầu các tổ chức báo cáo xác minh danh tính khách hàng; cần quy định rõ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các giao dịch để đảm bảo xác định đúng đối tượng quản lý, không chỉ đơn thuần là chủ sở hữu mà là người hưởng lợi cuối cùng, cho các ngân hàng truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng như cần bổ sung hướng dẫn yêu cầu kiểm soát rủi ro đối với bên thứ 3 khi thực hiện nhận biết, xác minh, cập nhật thông tin qua bên thứ 3.

Đại biểu Hà Phước Thắng, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định thành một chương riêng về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Bởi theo đại biểu đây là vấn đề quan trọng và là vấn đề toàn cầu xuyên quốc gia nhất là trong điều kiện thế giới phẳng, công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp… Hơn nữa, Việt Nam là thành viên của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền, phải thực hiện các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF.

Tại điểm 1 khoản 1 Điều 4 đối với các hoạt động của tổ chức tài chính áp dụng luật này chỉ đề cập đến loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, do đó, đại biểu Dương Văn Phước, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban soạn thảo rà soát và làm rõ các loại hình khác có thể lợi dụng để rửa tiền ngoài loại hình bảo hiểm nhân thọ.

Cũng theo đại biểu, vấn đề dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng quy định tại Điều 28 dự thảo Luật là rất khó khăn, mơ hồ. Đây là loại hình tội phạm không mới nhưng để hình thành các khái niệm đầy đủ về loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. Do vậy, nhiều trường hợp khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì các cơ quan chức năng mới nắm bắt, xử lý, chưa kịp thời phát hiện khi loại tội phạm này mới hình thành. Điều đó cũng cho thấy việc xác định nguồn gốc tài sản là rất khó khăn. Do đó, dự thảo luật lần này cần phải quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi và tránh hình thức.

Với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảnh rất lớn, là một trong mười nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Thực tế thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này. “Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố”, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị.

Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Tham gia thảo luận tại hội nghị, đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, về giải thích từ ngữ tại khoản 3, Điều 3 quy định “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”. Tuy nhiên tại khoản 3, Điều 105 của Bộ luật Dân sự quy định về khái niệm tài sản, đại biểu nhận thấy khái niệm về tài sản nhưng hai luật này quy định khác nhau, không thống nhất.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu lại để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Liên quan đến xác minh thông tin, nhận biết khách hàng được quy định tại Khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) không thống nhất với quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật Căn cước công dân.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét để đảm bảo các quy định của dự thảo Luật, thống nhất với các quy định hiện hành về khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 49 của dự thảo trong việc ban hành trình tự, thủ tục thống nhất để các đối tượng báo cáo có thể xác minh thông tin, nhận biết của khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Liên quan đến nội dung trì hoãn giao dịch tại điểm a, Khoản 1, Điều 44 của dự thảo quy định “Đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch ngay khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội”. Đại biểu Thái Thị An Chung tán thành ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế và cho rằng, nếu Chính phủ quy định chi tiết sẽ không phù hợp với Hiến pháp, bởi theo quy định tại Hiến pháp việc giới hạn quyền công dân phải được thực hiện, quy định trong các văn bản Luật. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ hơn các quy định để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Góp ý với bố cục Chương 3 về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị, nghiên cứu và hoàn thiện hơn các quy định để đảm bảo tính khả thi cũng như cân đối về nguồn lực của các cơ quan được phân công chủ quản và các đơn vị có liên quan. Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát về trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền để phù hợp với các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng quy định rõ định nghĩa về tài sản bảo đảm phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự và các luật liên quan.

Về đối tượng báo cáo, các đại biểu Quốc hội cũng nêu một số những đối tượng báo cáo trong đó đề cập đến tài sản ảo. Thống đốc cho biết, trước đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành cũng đã có đề xuất thể hiện trong dự thảo ban đầu quy định đối tượng báo cáo về kinh doanh tài sản ảo. Tuy nhiên qua rà soát các quy định của pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép chính tài sản ảo. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, các cơ quan kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội phương án giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết. Luật Phòng chống rửa tiền chỉ quy định về biện pháp phòng, chống… còn liên quan đến luật nguồn, tài sản nguồn sẽ được quy định ở các luật khác và trước mắt là giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Về các dấu hiệu đáng ngờ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã có tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện bổ sung. Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối trong phòng chống rửa tiền nhưng thực tế các giao dịch phát sinh rất nhiều. Trong đó, có nhiều giao dịch và trực thuộc các bộ, ngành quản lý. Do đó, dự thảo Luật đã đưa ra quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, rà soát bổ sung một số trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu tiếp thu, rà soát để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.

Ngô Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ