Từ ngày 26-28/2/2024, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) và thăm chính thức Ireland.
Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Hòa bình, hợp tác, phát triển dù vẫn là xu thế lớn nhưng bị thách thức mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tại Phiên họp, lãnh đạo các nước dự kiến sẽ tập trung thảo luận, nêu quan điểm, cách tiếp cận và nhu cầu hợp tác về những vấn đề toàn cầu cấp bách như: Phục hồi sau đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, các bất bình đẳng và các “mặt trái” của chuyển đổi số, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương...
Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) và thăm chính thức Ireland từ 26/2-29/2/2024 |
Tại Hội đồng Nhân quyền, trong năm 2023, Việt Nam đã chủ động đề xuất, thúc đẩy một số sáng kiến, nhất là “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna” và năm sáng kiến nổi bật khác tại cả ba Khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền về nhiều chủ đề khác nhau, được đánh giá cao, phù hợp với quan tâm và lợi ích của nhiều quốc gia.
Trong nhiệm kỳ 2023-2025 này, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ triển khai một số sáng kiến hợp tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, trong đó sẽ chủ trì xây dựng và thương lượng dự thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp tháng 6/2024. Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV vào tháng 5/2024.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục tham gia vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nghị quyết chuyên đề và nghị quyết về tình hình tại một số nước cụ thể. Lịch trình hoạt động cả năm 2024 là cơ sở cho Việt Nam để lại dấu ấn cho năm 2025.
Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, chuyến công tác tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, như lời Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 “Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để giảm khác biệt, gia tăng hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền”.
Hoàng Giang