Tiếp tục xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

08/08/2024 - 01:59
(Bankviet.com) Chiều 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Bộ Quốc phòng: Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật Bộ Công Thương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho biết, sau quyết định thành lập Ban Chỉ đạo ngày 8/7/2024, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện.

Đó là rà soát, sửa đổi các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát, không làm các công việc cụ thể; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu xem xét, đánh giá về thực trạng tình hình xử lý văn bản sau rà soát thời gian qua, đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của hoạt động xử lý văn bản sau rà soát. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở rà soát, sẽ xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật với trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc theo nguyên tắc: các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo luật sửa đổi các luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất, trong đó đánh giá tình hình các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ xử lý kết quả rà soát văn bản đã được Chính phủ chỉ ra tại các Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ Nghị quyết 101/2023/QH15 và Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV;

Báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc pháp lý mang tính cấp bách, ở tầm luật cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ và dự kiến đề xuất phương án phân công các Bộ, ngành nghiên cứu, xử lý;

Đề xuất giải pháp hiệu quả, toàn diện thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 82/NQ-CP, Nghị quyết 93/NQ-CP và Quyết định 81/QĐ-BCDRSXLVBQPPL ngày 25/7/2024 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Trên cơ sở Báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến trực tiếp vào các nội dung: Cơ cấu, bố cục và những nội dung chính của Báo cáo.

Rà soát, đánh giá lại xem các nhiệm vụ tại Quyết định 81 của Ban Chỉ đạo và Kết luận của Thường trực Chính phủ (Thông báo 322/TB- VPCP ngày 15/7/2024 của VPCP) đã được thực hiện như thế nào? Có vướng mắc, khó khăn gì? nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Xem xét, đánh giá về thực trạng tình hình xử lý văn bản sau rà soát thời gian qua, trong đó cần xác định rõ sự chậm trễ trong xử lý văn bản sau rà soát xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, khách quan nào? Cần đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của hoạt động xử lý văn bản sau rà soát?

Nội dung vướng mắc, bất cập đã được Bộ Tư pháp tổng hợp đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chưa? còn nội dung cần xử lý ngay để thúc đẩy tăng trưởng, kiếm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô?

Đối với vướng mắc pháp lý của 13 luật như báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính có ý kiến về tiến độ và phạm vi sửa đổi để tháo gỡ ngay, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Tiếp tục xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Tư pháp cho biết, việc triển khai nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ tập trung vào báo cáo của 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ.

Cùng với đó là báo cáo của 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp về việc thực hiện rà soát văn bản QPPL theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ.

Nội dung báo cáo tập trung vào rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và kết quả tổng hợp cho đến thời điểm ngày 31/7/2024, tổng số kiến nghị đã được tổng hợp thuộc phạm vi kết luận nêu trên là 594 kiến nghị.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương