Tín dụng cho kinh doanh bất động sản tăng 22%, cho vay bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng

11/01/2024 - 04:40
(Bankviet.com) Tính đến tháng 11/2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản vào khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,75% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng cho kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 22%, chiếm tỷ trọng khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm 64%, giảm 0,7%.
cho-vay-bds.jpg
Các giải pháp của Chính phủ, NHNN đã bắt đầu phát huy tác dụng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (Ảnh minh họa)

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tại buổi Họp báo “Triển khai Nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 3/1/2024, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, năm 2023, Chính phủ và NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng hấp thụ tín dụng trong nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Đến nay, các giải pháp đó đã bắt đầu phát huy tác dụng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp nói riêng.

So với thực tế, tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm cho thấy nhu cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với cùng kỳ.

Thời gian qua NHNN đã có nhiều giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế như hạ lãi suất. NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Về triển khai Đề án 1 triệu căn hộ phục vụ nhà ở cho công nhân - nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành về lĩnh vực bất động sản trong năm 2023, bà Hà Thu Giang cho biết, đến nay có 26 tỉnh thành phố đã công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và 58 dự án cải tạo chung cư cũ.

Trong quá trình triển khai, ngành Ngân hàng đã tham gia tích cực, có 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBankBIDV) với mức cam kết dành khoảng 120.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng) và 1 ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã cam kết sẽ dành 5.000 tỷ đồng cho chương trình này.

"Đến cuối tháng 11/2023 đã ghi nhận những kết qủa khả quan, các ngân hàng thương mại đã cam kết giải ngân đối với 12 dự án, tổng số vốn cam kết giải ngân là 5.000 tỷ đồng, đã giải ngân xong 428 tỷ đồng. Chương trình này là một trong các giải pháp triển khai đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 nên quá trình triển khai sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết.

Bà Hà Thu Giang cũng tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là với các dự án nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân của gói tín dụng này sẽ được thúc đẩy. Cùng với việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng sẽ góp phần đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Về việc triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, sau 8 tháng triển khai, trên 171.000 tỷ đồng nợ đã được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm cả gốc và lãi).

Thời gian qua, NHNN đã ghi nhận những phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với Thông tư 02 là rất tích cực khi Thông tư đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN cũng đã nhận được một số kiến nghị của tổ chức tín dụng cũng như phía các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời hạn của Thông tư này. Do vậy, NHNN đang tiến hành rà soát và sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về đề xuất kéo dài thời hạn Thông tư 02 để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ