Tin tưởng doanh nghiệp sẽ “biến nguy thành cơ”

14/10/2022 - 23:33
(Bankviet.com) “Non cao cũng có đường trèo. Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”.

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Thủ tướng Chính phủ: Phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số

Với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, khả năng sáng tạo, thích ứng, tầm nhìn, khát khao vươn lên, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, doanh nhân Việt Nam, tôi luôn tin rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng cộng đồng DN sẽ "biến nguy thành cơ”, "qua lửa tôi mình", vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 diễn ra sáng 12/10.

Đổi mới để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…” và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo hướng: Bảo đảm ổn định trong điều kiện có nhiều bất định; Chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường; Kiên định, nhất quán, bản lĩnh, tự tin trong điều hành trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; Có biện pháp kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; Giải quyết hài hòa giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của DN. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, hệ thống y tế cơ sở; Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế.

Mong doanh nghiệp tiếp tục trau dồi bản lĩnh

Về phía cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các doanh nhân tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị DN, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu, cộng đồng DN, doanh nhân tận dụng sự phục hồi mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Có sự chuẩn bị tốt các nguồn lực để đón nhận, tạo đột phá cho phát triển DN, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Đội ngũ doanh nhân, DN phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng thương hiệu, văn hóa DN, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng DN tầm cỡ khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu hơn nữa, nhiều tỷ phú đô la hơn nữa; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; đồng thời đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Thủ tướng cũng đề nghị, VCCI phát huy truyền thống gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, phải thật sự đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam, không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo, phát huy tốt vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân, người sử dụng lao động và các tổ chức hiệp hội DN tại Việt Nam, hỗ trợ DN thành viên, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp đỡ, cùng vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới.

Điểm nhấn của Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 người được vinh danh Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Đây là những doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý DN thuộc các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến DN vừa và nhỏ. Người lớn tuổi nhất đã 82 tuổi và người trẻ nhất 34 tuổi, có 15 doanh nhân nữ, chiếm tỷ lệ 25%.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán