Cả nước chỉ còn 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa phát hành hoá đơn điện tử Thanh Hóa: Tăng cường giám sát xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu |
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, chiều 3/4, báo chí đã đề cập về nội dung Thủ tướng yêu cầu đến ngày 31/3 hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử cho người mua hàng nếu không sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Đến nay, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện xuất hoá đơn được 96,99% và hoàn thành trong vòng 3 tháng thay vì 2 năm. Kết quả này khá tích cực và có thể được coi là kinh nghiệm để triển khai các công tác khác.
Chia sẻ về nội dung này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, sau gần 4 tháng, đến ngày 2/4, toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng đã thực hiện xuất hoá đơn bán hàng cho người dân. Chỉ còn 4 cửa hàng ở vùng sâu vùng xa.
"Theo kế hoạch, trong tuần tới sẽ hoàn thành lắp đặt để đạt đủ 100% các cửa hàng xuất hoá đơn bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ" - ông Đặng Ngọc Minh nói, đồng thời cho biết: Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương cũng như các Sở, ban ngành địa phương tiếp tục giám sát hoạt động các cây xăng trong việc xuất hoá đơn bán lẻ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại họp báo |
Về bài học kinh nghiệm, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thứ nhất, với hoá đơn điện tử, đã có Luật quản lý thuế số 38, Nghị định về hoá đơn điện tử số 123 cũng như thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, nền tảng pháp lý thực hiện từ 2021, đến nay toàn bộ các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cơ bản đã thực hiện 100% hoá đơn điện tử. Cơ quan thuế cũng đã có nền tảng công nghệ lưu giữ 7,5 tỷ giao dịch của người dân và doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay.
Trong quá trình triển khai, có thể thấy xăng dầu là mặt hàng thuộc diện quản lý đặc biệt của Nhà nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua đã có 4 công điện chỉ đạo toàn bộ hệ thống về việc này.
Ngành thuế cũng tham mưu Bộ Tài chính có các văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống cơ quan thuế cũng như phối hợp Sở Công Thương các địa phương triển khai đồng bộ 63 Cục thuế cũng như 115 Chi cục thuế giám sát chặt chẽ hoạt động của các cây xăng.
Thứ hai, đã có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển cùng với việc triển khai đồng bộ Đề án 06 do Bộ Công an chủ trì đã thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
"Chúng tôi đánh giá cao các công ty công nghệ đã có giải pháp kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp xăng dầu. Các doanh nghiệp xăng dầu cũng đã nhận thức được ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số nên đã đầu tư thích đáng cải tiến công nghệ tại các cây xăng" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin.
Các phóng viên báo chí tham dự Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. |
Tổng cục Thuế cũng đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của hệ thống thông tin truyền thông báo chí đã nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để người tiêu dùng hiểu về việc cần thiết xuất hoá đơn, thúc đẩy việc chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp.
"Qua việc này cũng là điều kiện để chúng tôi quản lý chặt chẽ hơn mặt hàng xăng dầu và tạo điều kiện tăng cường quản trị lĩnh vực xăng dầu nói chung, chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu" - ông Đặng Ngọc Minh cho hay.
Với kinh nghiệm này, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tham mưu, hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý chặt chẽ thương mại điện tử và triển khai hoá đơn điện tử với các hoạt động dịch vụ.
Ngọc Linh