Tình hình các dòng vốn trên thị trường tài chính Việt Nam đến cuối quý III/2022

02/10/2022 - 20:23
(Bankviet.com) Tính đến cuối quý III/2022, bức tranh tổng quát nhất của thị trường tài chính (TTTC) nước ta vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi từ thực tiễn nền kinh tế với các nhu cầu rất khác nhau về cung và cầu vốn. TTTC đang đứng trước những áp lực phải chống chọi với những rủi ro không chỉ từ trong nước mà cả từ quốc tế. Tuy nhiên với nền kinh tế nước ta, những yếu tố tích cực vẫn nhiều hơn so với yếu tố tiêu cực nhờ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang tăng trưởng tốt.

Xu thế tổng quát các dòng vốn trên TTTC trong nước 

Thị trường chứng khoán (TTCK): Đã và đang lao dốc cả về giá và thanh khoản ở hầu hết các nhóm mã chứng khoán. Trong đó nhiều mã chứng khoán giá đã co về sát mệnh giá, thậm chí có mã thấp hơn giá khởi điểm chào bán. Lý do giải thích cho xu hướng lao dốc của TTCK nước ta hiện nay tập trung vào một số nguyên nhân chính như:

Về các nhân tố tác động từ quốc tế: Lạm phát từ Mỹ tăng (CPI tháng 8/2022 tiếp tục duy trì ở mức cao, tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải liên tục tăng lãi suất để hút tiền về, tác động trực tiếp khiến dòng tiền vào TTCK trong và ngoài nước Mỹ giảm; Cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột giữa EU với Nga về Ukraine, kéo theo khủng hoảng bất ổn kinh tế, lạm phát tại EU.

Về các nhân tố bên trong nền kinh tế nước ta: Dòng tiền rút khỏi TTCK rất mạnh do giá chứng khoán giảm liên tục theo đà giảm của chứng khoán thế giới và do khối ngoại đẩy mạnh rút vốn. Cả những doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đang làm ăn phát đạt, lợi nhuận cao những giá chứng khoán vẫn giảm mạnh. Niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư sụt giảm, mặc cho nhiều doanh nghiệp rất muốn hút vốn qua kênh này.

Thị trường tiền tệ: Trong thời gian qua, tiền mặt hút về ngân hàng thương mại (NHTM) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng thời diễn ra khá lớn: NHNN hút tiền mặt nội tệ về qua bán ròng ngoại tệ cho NHTM, còn tại các NHTM tiền gửi thanh toán và tổng phương tiện thanh toán (tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp và cá nhân) đều tăng rất mạnh bởi cả hai lý do: tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao và tiền “nằm chờ” cơ hội đầu tư của cả cá nhân và doanh nghiệp tăng mạnh.   

Ngày 7/9, NHNN đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi trực tiếp các TCTD này. Việc điều chỉnh room tín dụng được NHNN căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư số 52/2018/TT-NHNN về tình hình hoạt động của các TCTD theo những quy định xếp hạng các TCTD, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài trong năm 2022, về diễn biến thị trường và định hướng theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 về việc tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế từ đầu năm đến nay.

Ở một khía cạnh khác, nhiều TCTD có những lúc đột ngột thiếu thanh khoản do việc đáo hạn các hợp đồng bán USD khiến một lượng VND không nhỏ tương ứng bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên cao, có những thời điểm lãi suất liên ngân hàng vọt lên tới mức 7,5%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây để lấy tiền thanh toán các kỳ nội tệ đáo hạn hoặc các hợp đồng tín dụng tới hạn giải ngân. Trong những tình huống như vậy NHNN đã kịp thời sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ qua thị trường liên ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn để bổ sung tiền mặt cho ngân hàng thương mại (NHTM), giảm sức ép tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Trên thị trường tiền tệ từ đầu năm 2022 đến nay, NHNN luôn đóng vai trò “nhạc trưởng” trong việc hướng dòng vốn từ các NHTM, mà trước hết là từ các NHTM lớn, vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền thông qua lãi suất và cơ chế chi tiết hóa room tín dụng cho từng NHTM để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, NHNN đã đưa ra cơ chế kiểm soát tín dụng toàn nền kinh tế thông qua chỉ tiêu tín dụng định hướng cả năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn từng nhóm, thậm chí từng NHTM. Cơ chế kiểm soát tín dụng của NHNN đối với từng NHTM là không phân bổ chỉ tiêu giống nhau mà NHNN có xem xét và thông tin riêng hạn mức tín dụng đến từng TCTD. Các cơ chế đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát tín dụng toàn ngành, kiểm soát lạm phát nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất ổn trong suốt nhiều tháng qua. 

Một số con số quan trọng trên TTTC đã và đang hình thành

Tính đến cuối tháng 9, VN Index đã mất mốc tâm lý 1.200 điểm. Đà hồi phục lên mức chỉ số ở vùng mục tiêu đã nhiều người dự báo từ đầu năm là kết thúc năm 2022, chỉ số VN-Index có thể đạt ở vùng 1,300 cộng/trừ 10 điểm là khó khả thi. Vùng dao động của VN-Index đến cuối năm có thể sẽ quanh mốc 1.250 điểm, là vùng rất thấp và không phản ánh đúng xu hướng phát triển kinh tế của cả nước. TTCK nước ta đã và đang có biểu hiện tách rời tương đối so với sự phát triển chung của nền kinh tế là điều cần phải kiểm tra lại cơ chế kiểm soát bộ phận cấu thành TTTC của thị trường quan trọng này.

Trên thị trường vốn đến từ khu vực ngành Ngân hàng. Tính đến thời điểm giữa tháng 9/2022 và xu hướng cả năm 2022, có thể dự báo tổng tỷ trọng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế bình quân có thể đạt xung quanh 13%. Tính đến ngày 8/9/2022, hạn mức room tín dụng được tăng thêm cho 15 NHTM có đề nghị.

Nhiều khả năng trong quý IV/2022 NHNN vẫn có thể xem xét nâng hạn mức tín dụng cho một số TCTD khi đáp ứng các yêu cầu của cơ chế kiểm soát an toàn hệ thống và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường vốn, trong giới hạn bảo đảm nguyên tắc tham gia chống lạm phát. Cũng theo NHNN, tính đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn ngành tăng 10,47% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. 

Như vậy, trong khi Mỹ hay EU đang phải hút vốn về chống lạm phát thì nền kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế tiêu thụ vốn hơn là thừa vốn. Đây chính là cơ sở để nhận định rằng những nhân tố tích cực vẫn đang lớn hơn so với những nhân tố tiêu cực khi đặt trong tương quan với nhiều quốc gia, vùng kinh tế lớn trên thế giới.

TS. Nguyễn Đại Lai

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ