Tỉnh táo khi giao dịch, nhận tiền chuyển khoản qua ngân hàng

01/04/2024 - 01:35
(Bankviet.com) Việc mua bán, làm giả bill chuyển tiền qua ngân hàng tràn lan trên mạng xã hội với những thủ đoạn tinh vi. Nhiều người vì lơ là mất cảnh giác nên đã "sập bẫy".

“Thả ga” tiêu xài nửa tỷ đồng của người khác chuyển khoản nhầm rồi bỏ trốn Thái Bình: Bắt đối tượng dùng dao ép nạn nhân chuyển khoản 300 triệu đồng

Làm giả bill chuyển khoản để lừa mua hàng

Là người bán hàng online nên chị H.Y. (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) rất chịu khó cập nhật và tìm hiểu thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng về lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, với hình thức lừa đảo tinh vi bằng hình thức làm giả hóa đơn chuyển khoản (hay còn gọi là bill thanh toán) Internet banking của các ngân hàng, chị Y. đã suýt trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Chị H.Y đăng tải nội dung để cảnh báo với người thân, bạn bè.
Chị H.Y đăng tải nội dung sự việc để cảnh báo với người thân, bạn bè (Ảnh chụp màn hình)

Chị H.Y. cho hay: “Biết tôi bán đồ ăn vặt nên Facebook có tên Phạm Giáng Tuyết vào đặt hàng. Trong quá trình trao đổi, người này đặt 5kg măng khô với tổng trị giá 750.000 đồng và kêu tôi gửi về TP. Hồ Chí Minh. Người này còn yêu cầu tôi để đơn 0 đồng (không đồng) và sau đó chuyển khoản tiền cho tôi”.

Khi Facebook Phạm Giáng Tuyết gửi bức ảnh chuyển khoản thành công, đúng tên, tài khoản của mình với số tiền 750.000 đồng, ngoài ra, trong bức ảnh còn hiển thị rõ phần tin nhắn trừ tiền trong tài khoản, chị Y. vui vẻ đi đóng hàng mà không mảy may nghi ngờ.

“Sau khi chuyển khoản, Facebook Phạm Giáng Tuyết hối thúc tôi ship hàng. Mặc dù đã nhận được bill chuyển khoản thành công, tuy nhiên, khi tôi kiểm tra tài khoản vẫn chưa thấy biến động số dư. Để trấn an tôi, tài khoản Facebook này còn nói đã gọi cho ngân hàng và xác nhận đã chuyển khoản thành công, phía ngân hàng của tôi đang bị treo” – chị Y. cho biết.

Nóng lòng, chị H. nhắn tin cho khách thì được người này báo tiền đã gửi rồi. Chẳng những hối thúc chuyển hàng ngay mà người này còn lớn tiếng cự cãi vì cho rằng chị H. làm việc không chuyên nghiệp và uy hiếp sẽ “kiện” chị H. vì tội chiếm đoạt tài sản, nhận tiền mà không chuyển hàng.

Sau quá trình trao đổi, chị Y. đã yêu cầu xin tên người gửi, số tài khoản, ngân hàng của người gửi tiền để kiểm tra, tuy nhiên Facebook Phạm Giáng Tuyết không trả lời và chặn theo dõi.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, chị H.Y. đã chia sẻ thông tin sự việc lên mạng xã hội để cảnh báo với mọi người.

Ở một sự việc khác, ngày 28/3/2024, Công an TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã tạm giữ hình sự đối với hai đối tượng N.H.T (SN 1995) và T.T (SN 1950) cùng trú tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về hành vi sử dụng bill chuyển khoản giả để mua quần áo tại 1 cửa hàng trên địa bàn TP. Vũng Tàu.

Theo đó, ngày 18/3, hai đối tượng đã đến cửa hàng L.T.S (trên đường Ba Cu, phường 4, TP. Vũng Tàu) để mua quần áo. Tại đây, 2 đối tượng đã chụp mã QR code của cửa hàng, sau đó gửi cho một đối tượng khác trên mạng xã hội để chỉnh sửa, làm bill chuyển khoản giả. Sau đó, sử dụng bill chuyển khoản giả để mua số lượng lớn quần áo với số tiền 21.620.000 đồng.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận trước đó đã tham gia nhóm Facebook “Làm bill chuyển khoản mọi ngân hàng giống thật 99%” để nhờ người làm giả thông báo chuyển tiền. Mỗi lần làm giả thông báo chuyển tiền như vậy 2 đối tượng sẽ bỏ ra chi phí là 100.000 đồng.

Tràn lan hội nhóm làm giả bill chuyển khoản

Hiện nay, nhu cầu thanh toán trực tuyến, chuyển khoản ngân hàng đang ngày càng phổ biến, được đông đảo mọi người lựa chọn làm phương thức giao dịch vì sự nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên các đối tượng xấu đã lợi dụng điều này, tạo các hóa đơn thanh toán, xác nhận chuyển khoản ngân hàng giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo. Trên thực thế, nhiều người thiếu cảnh giác đã dính bẫy do các đối tượng xấu giăng ra.

Chỉ cần lên Google hay các mạng xã hội tìm kiếm từ khóa “Làm giả bill chuyển khoản”, “Tạo hóa đơn chuyển khoản”, “Tạo bill chuyển tiền giả”, “Fake bill chuyển khoản ngân hàng”… thì hàng trăm các hội nhóm, website dịch vụ công khai nhận làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng hiện lên kết quả tìm kiếm.

Tỉnh táo khi giao dịch, nhận tiền chuyển khoản qua ngân hàng
Hội nhóm làm giả bill chuyển khoản ngân hàng tràn lan trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Trên mạng xã hội Facebook, đa số các nhóm này là nhóm kín, có đội ngũ quản trị viên quản lý chặt chẽ, phê duyệt từng thành viên khi có nhu cầu tham gia nhóm.

Theo khảo sát của phóng viên, trên các hội nhóm này, hàng ngày có tới hàng chục bài đăng quảng cáo với số lượt tương tác cao, các hội nhóm này ngang nhiên công khai quảng cáo. Giá của mỗi bill chuyển tiền giả dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng tùy ngân hàng và mẫu mã của bill chuyển khoản. Theo đó, bất kỳ ai có nhu cầu làm giả biên lai ngân hàng đều được đáp ứng với bill “đẹp”, nét và rất khó để phát hiện... Thậm chí, các đối tượng này còn cam kết, không cần cọc, sẵn sàng làm nhanh, làm xong ưng ý mới cần thanh toán...

Những dòng trạng thái như thế này thường xuyên xuất hiện trong các hội nhóm làm giả lệnh chuyển tiền
Những dòng trạng thái như thế này thường xuyên xuất hiện trong các hội, nhóm làm giả lệnh chuyển tiền (Ảnh chụp màn hình)

Những người tìm đến các dịch vụ này có thể chỉ đơn giản để mua vui, trêu đùa bạn bè, tạo uy tín trên mạng xã hội hoặc khoe khoang sự giàu có, “tỏ vẻ” kinh doanh thành công.

Anh Nguyễn Văn P. (TP. Hải Dương) cho biết, trước đây anh cũng từng sử dụng lệnh chuyển tiền giả với mục đích tạo lòng tin với khách hàng.

“Tôi nghĩ đơn giản đó là một trong những thủ thuật trong kinh doanh, cho thấy việc kinh doanh của tôi luôn phát triển, có nhiều đơn hàng lớn, từ đó có nhiều người quan tâm đến sản phẩm tôi hơn”, anh P. chia sẻ.

Tuy nhiên, không ít đối tượng sử dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo cơ quan công an, thủ đoạn của những đối tượng sử dụng dịch vụ này thường là đặt mua hàng hóa, dịch vụ với số lượng lớn hoặc vay tiền mặt rồi chuyển khoản trả, sau đó lợi dụng sự cả tin của nạn nhân, gửi hình ảnh hóa đơn giả rồi bỏ đi thật nhanh, trước khi các nạn nhân nhận ra mình đã bị lừa.

Cơ quan công an khuyến cáo, người bán tuyệt đối không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đã được cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.

Nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản. Nếu để ý kỹ thì hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...

Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.

Có thể bị xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Ngọc Sơn, Công ty luật TNHH Lavi – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, hành vi làm giả bill chuyển khoản, chứng từ đã thanh toán là một hành vi gian lận, vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi có thể bị xử lý các mức độ khác nhau.

Tỉnh táo khi giao dịch, nhận tiền chuyển khoản qua ngân hàng
Luật sư Lê Ngọc Sơn, Công ty luật TNHH Lavi – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Theo đó, tại khoản 1, Điều 15, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Không những vậy, Luật sư Lê Ngọc Sơn cho biết, hành vi làm giả hoá đơn thanh toán điện tử rồi thông báo đã chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả gây ra của hành vi.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cũng theo Luật sư Lê Ngọc Sơn, đối với những người làm giả các bill, chứng từ thanh toán và giao cho người khác mà không trực tiếp dùng vào việc lừa đảo có thể bị xử lý hình sự theo tội “Làm giả con dấu, tài liệu” của cơ quan tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Theo đó, với tội danh làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể bị phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.

"Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ làm giả bill chuyển khoản, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an để xử lý kịp thời", Luật sư Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Nguyễn Thừa

Theo: Báo Công Thương