Hội thảo Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận, thực tiễn do Báo Nhân dân phối hợp cùng Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức.
Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội thảo cũng có sự tham gia của các lãnh đạo quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị xuất bản trong cả nước.
Chuyển đổi số báo chí là xu thế không thể đảo ngược
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ tác động nhiều tới việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí. Trước những thách thức và cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Đồng thời, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất. Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên; là đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình kinh doanh, quy trình vận hành tòa soạn. Chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành. Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số; không ngừng sáng tạo, vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi; tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả... Như vậy, chuyển đổi số mới có thể thành công, đạt hiệu quả.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân phát biểu khai mạc hội thảo |
Ông Lê Quốc Minh cũng cho rằng, các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản của Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang kỷ nguyên số. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để những người làm báo, các nhà xuất bản tiếp cận với cách làm mới, khai phá những tiềm năng sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, xuất bản các tác phẩm báo chí số, phù hợp với xu thế phát triển báo chí hiện đại của thế giới.
“Tôi hy vọng, từ hội nghị khoa học này, các nhà quản lý báo chí, xuất bản sẽ lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí còn đang trong giai đoạn đầu phát triển báo chí hiện đại; lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản sẽ có thêm được những kinh nghiệm để triển khai chuyển đổi số báo chí, xuất bản một cách phù hợp với năng lực, thực tiễn hoạt động và chiến lược phát triển của tòa soạn, trong khi đó các chuyên gia đào tạo báo chí, xuất bản sẽ chú trọng tới những kỹ năng mới, thực hành mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn sinh động”, ông Lê Quốc Minh đề nghị.
Trong khi đó, dưới góc độ địa phương Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Ngô Đông Hải cho biết: Những năm qua, chuyển đổi số được Thái Bình xác định là động lực mới, là cơ hội để giải quyết các “điểm nghẽn, nút thắt” cũng như tạo đột phá trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền số từ nền tảng chính quyền điện tử, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình ông Ngô Đông Hải phát biểu tại hội thảo |
Đối với lĩnh vực báo chí, Thái Bình những năm qua đã đón nhận những tình cảm nhiệt thành của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Rất nhiều các cơ quan báo chí đã có những bài viết dưới nhiều hình thức thể hiện đa dạng, phong phú, bắt kịp xu hướng của báo chí hiện đại, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn” góp phần lan tỏa hình ảnh của Thái Bình đang nỗ lực từng ngày để đi nhanh, đi trước thu hút nguồn lực góp phần nâng cao đời sống người dân.
Chia sẻ nhiều cách làm mới, sáng tạo trong chuyển đổi số báo chí
Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” lần này nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.
Hội thảo đã thu hút hàng chục diễn giả với những bài tham luận làm rõ 3 nội dung cơ bản đối với báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số: Cơ sở lý luận và thực tiễn; Thực trạng và kinh nghiệm; Những vấn đề đặt ra, định hướng, giải pháp và khuyến nghị.
Đồng thời, nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi số tại các đơn vị báo chí cũng đã được lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - xuất bản chia sẻ tại hội thảo.
Ông Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật phát biểu |
Từ góc độ quản lý báo chí, xuất bản, các diễn giả đã trình bày tham luận xung quanh các nội dung như: Chuyển đổi số báo chí, xuất bản – Lý luận và Thực tiễn; Chuyển đổi số xuất bản trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam; Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí – Ích lợi và thách thức; Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Cơ hội và thách thức; Chuyển đổi số và vấn đề xây dựng Tòa soạn hội tụ hiện nay…
Tại một số đơn vị báo chí, các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí, xuất bản từ góc nhìn thực tế như: Chuyển đổi số phát thanh Việt Nam: Áp lực chuyển đổi số với các cơ quan báo chí – truyền thông; Chuyển đổi số báo chí – Thực tiễn, kinh nghiệm của Báo Bắc Giang; Các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới; Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số báo chí ở Báo Tuyên Quang; Chuyển đổi số từ góc nhìn thông tin đồ họa và báo chí dữ liệu của Thông tấn xã Việt Nam…
Đóng góp vào tham luận tại hội thảo lần này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Công Thương cũng đã có những chia sẻ về “Thực hiện chuyển đổi số ở Báo Công Thương, một vài kinh nghiệm bước đầu". Theo đó, những năm qua, Bộ Công Thương đã được đánh giá, xếp hạng là Bộ có chỉ số chuyển đổi số nằm ở Top đầu của các bộ, ngành. Là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, những năm qua, Báo Công Thương đã tích cực làm tốt công tác chuyển đổi số đóng góp một phần vào quá trình chuyển đổi số của Bộ. Theo đó, Báo Công Thương nói riêng và các cơ quan báo chí truyền thông của Bộ đã xây dựng Đề án chuyển đổi số riêng của mình và tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số trong báo chí. Báo cũng tự xây dựng, hoàn thiện mình theo Bộ Tiêu chí cơ quan báo chí chuyển đổi số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra. Từ kinh nghiệm quản lý của mình, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, để chuyển đổi số “nhanh, trúng, phù hợp” trước hết phải bám sát vào các định hướng trong chiến lược của Chính phủ và Bộ Chỉ số đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông để từ đó xác định mình làm gì, chọn những nội dung thiết thực để thực hiện trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải thực chất từ công việc làm hàng ngày chứ không phải từ những lời hoa mỹ.
Báo Công Thương đã lựa chọn 6 hướng đi đổi mới trong chuyển đổi số. Trước hết, báo nhanh chóng xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, tập trung, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong làm báo. Hai là, phải nhanh chóng vận hành Báo theo mô hình tòa soạn hội tụ. Không thể chuyển đổi số nếu tòa soạn vẫn vận hành theo mô hình cũ, rời rạc, thiếu gắn kết giữa các ban, bộ phận, các loại hình báo in, báo điện tử và các nền tảng số. Ba là, từng bước tối ưu hóa nguồn thu, tăng doanh thu từ kinh tế số. Bốn là, lãnh đạo và người làm báo được chú trọng bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về chuyển đổi số. Năm là, Báo đã tích cực chủ động có các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin. Sáu là, về hình thành và phát triển các nền tảng số báo chí.
Toàn cảnh hội thảo |
Đối với một số địa phương, điển hình tại Bắc Giang, chia sẻ về những kinh nghiệm, đại diện Báo Bắc Giang cho biết: Đón đầu xu hướng phát triển báo chí, việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số được Báo Bắc Giang quan tâm thực hiện khá sớm. Đồng thời, Báo Bắc Giang cũng thực hiện nhiều giải pháp từ đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức, sắp xếp các phòng ban chuyên môn, đổi mới quản lý tòa soạn. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được tập trung theo hướng thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí, xuất bản thực tế của đơn vị: Chuyển đổi số phát thanh Việt Nam: Áp lực chuyển đổi số với các cơ quan báo chí – truyền thông; Các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới; Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số báo chí ở Báo Tuyên Quang; Chuyển đổi số từ góc nhìn thông tin đồ họa và báo chí dữ liệu của Thông tấn xã Việt Nam…
Nhóm PV