Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đỗ Khang Nam, công tác tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Cà Mau
Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh Quốc tế từ một trường đại học ở TP. HCM, tôi vẫn chưa hình dung được bản thân mình sẽ làm gì. Bởi, nhiều người vẫn nói dân Quản trị kinh doanh bọn tôi là “ba phải” nhất, cái gì cũng học, nhưng “tinh thông” thì lại không. Ấy vậy mà sau nhiều công việc khác nhau, tôi lại trở thành banker – và quyết định sẽ gắn bó với nghề này mãi về sau, vì nghề này chọn tôi.
Tôi là dân miền Tây sông nước lên “du học” ở TP. HCM. Thời điểm đó, ngành Ngân hàng đang rất “hot. Thu nhập cực cao, trang phục tươm tất, nơi làm việc cao cấp toát lên vẻ chuyên nghiệp khiến lũ sinh viên “mới nứt mắt” bọn tôi ngưỡng mộ tột cùng. Nhưng đến khi tôi tốt nghiệp thì những cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực đã kéo theo nền kinh tế nước nhà thụt lùi. Hàng loạt ngân hàng nhỏ lẻ bị hụt hơi và “phá sản”, những ngân hàng lớn buộc phải tái cơ cấu. Bất động sản và chứng khoán “lao đao”, ảnh hưởng trầm trọng đến ngành ngân hàng. Lúc này, lương thưởng của một banker đã không còn gây sửng sốt như trước nữa nhưng với người “ngoại đạo”, banker vẫn là một ngành nghề sang chảnh, ít nhất là đối với tôi khi đó.
Cáu bẳn sau vài lần bị mấy công ty đa cấp “lừa” đi ứng tuyển, tôi quyết cất tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá của mình vào trong tủ và đi... bán cà phê lưu động. Tôi cùng vài người bạn, đều đã tốt nghiệp đại học, đầu quân cho một thương hiệu non trẻ vừa “start-up”. Lận lưng tấm bằng cử nhân, chúng tôi miệt mài làm công việc lao động phổ thông để kiếm sống nơi Sài thành phồn hoa đô hội.
Sau đó vài tháng thì một đứa trong nhóm vui mừng thông báo trúng tuyển vào làm banker của một ngân hàng lớn. Tôi nể đứa bạn này vô cùng, vì sau khi làm ngân hàng thì trông người ta khác hẳn đi. Bạn ghé thăm mà tôi nhìn chẳng ra cái thằng cùng bán cà phê với mình mấy hôm trước nay đã ra dáng “dân văn phòng sang chảnh”, sơ-vin thẳng thớm, đeo cravat và logo trông vô cùng chuyên nghiệp. Bạn bảo tôi cũng nên thử nộp hồ sơ ứng tuyển. Nghĩ cũng lạ, tại sao tôi chưa từng nghĩ đến việc làm banker nhỉ?
Thế là tôi gửi ngay CV khá oách của mình gửi vào ngân hàng đó ứng tuyển. Oách là vì những kinh nghiệm tôi có được từ hàng loạt công việc làm thêm mà tôi từng trải qua trong cuộc đời sinh viên: Phát tờ rơi, phục vụ, gia sư, PB, help-desk, “sale cà phê”,... Nên tôi rất tự tin ở khả năng giao tiếp, tạo mối quan hệ và gầy dựng lòng tin với người ở nhiều tầng lớp khác nhau.
Và tôi đã đánh giá đúng về điểm mạnh của mình, tôi thuận lợi vượt qua những vòng thi kỹ năng, kiến thức và vấn đáp. Tiếp bước bạn tôi, đang bán cà phê tôi trở thành banker, khi ấy tôi đi sale thẻ tín dụng.
Bấy giờ, thị trường thẻ tín dụng đang phát triển rầm rộ. Thành phố lớn như Sài Gòn là “miền đất hứa” để các ngân hàng thi nhau phát hành thẻ tín dụng cho người dùng. Ở đâu họ cũng có thể sử dụng dịch vụ và thanh toán bằng thẻ rất tiện lợi, không bị bắt buộc dùng tiền mặt như những tỉnh, thành phố vùng nông thôn khác, như Cà Mau quê tôi chẳng hạn.
Sale thẻ tín dụng cần kỹ năng của một dân sale chuyên nghiệp. Nôm na là tôi đại diện ngân hàng mang đến cho khách hàng một tiện ích mà họ xứng đáng có, nên có, và cần phải có trong thời đại phát triển như hiện nay. Chứ hoàn toàn không phải tôi làm thẻ tín dụng cho khách hàng vì KPI hay làm lợi cho ngân hàng trong thời gian ngắn qua việc thu phí dịch vụ.
Đó là những điều cơ bản và tiên quyết mà tôi nhận ra trong thời gian được đào tạo thành một sale thẻ “chân chính”. Sống trong một thành phố trẻ, năng động như TP. HCM thì cư dân cũng rất nhanh chóng hòa nhập với công nghệ mới, tiện ích mới. Hầu hết khách hàng mà tôi tiếp cận đều rất hưởng ứng sự tiện lợi mà thẻ tín dụng mang đến. Trong đó không tránh khỏi nhóm người cố tình lợi dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt trái phép dẫn đến nợ xấu. Sau vài “case” thì tôi cũng đúc kết được cho mình cách nhận diện dạng khách hàng này, và hạn chế tối đa nợ xấu bằng cách từ chối hồ sơ mở thẻ của họ ngay lập tức.
Tôi học được nhiều kinh nghiệm quý báu trong khoảng thời gian làm sale thẻ này, và đạt kết quả rất tốt, nhiều tháng liền đứng đầu doanh số trong phòng kinh doanh thẻ và được tuyên dương nội bộ. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, phòng của tôi bị giải thể.
Khi thương hiệu thẻ tín dụng của ngân hàng tôi đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường thì do định hướng của cấp cao, ngân hàng chuyển sang đầu tư cho mảng khác, bỏ ngỏ mảng thẻ đang “chạy” rất tốt. Phòng kinh doanh thẻ bị giải thể, sát nhập vào bộ phận khác trong sự tiếc nuối của mọi người. Tôi hụt hẫng, nộp đơn xin nghỉ ngay sau đó, và quyết định vào một ngân hàng TMCP khác, theo chân người sếp cũ. Lúc này, tôi làm sale tín dụng.
Tôi lại được đào tạo những kiến thức mới, những quy trình nghiệp vụ mới về cấp tín dụng, cho vay, thẩm định tài sản, tính lãi suất, tính phương án kinh doanh,... dĩ nhiên là đi kèm bán bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm nhân thọ và cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, và nhiều dịch vụ khác nữa.
Lần này số lượng kiến thức tôi thu thập nhiều hơn và đa dạng, phức tạp hơn trước. Tôi lao mình vào công việc, đi giao thiệp tìm kiếm khách hàng, tạo mối quan hệ và duy trì nó bằng những chầu cà phê, những cuộc nhậu.
Tôi làm tốt nhưng thu không bù chi. Lương thưởng của tôi khi đó không đủ cho những “chi phí” cần có để duy trì các mối quan hệ và chi tiêu cơ bản trong thành phố đắt đỏ như TP. HCM.
Một nhân viên ngân hàng sống độc thân vẫn không thể dành dụm được gì sau mấy năm đi làm khiến tôi chán nản. Sáng trang phục chỉnh tề tôi hòa vào dòng người vội vã đến chỗ làm; Tối đến tôi về lại căn phòng trọ nhỏ hẹp ở Gò Vấp, ngồi đối diện 4 bức tường cũ cáu bẩn, tôi tự hỏi rồi bản thân sẽ có được gì sau bao cố gắng tôi đã bỏ ra.
Tôi quyết định làm một việc mà bạn bè, đồng nghiệp đều không ngờ nổi. Tôi xin nghỉ việc và về quê nhưng vẫn tiếp tục “sự nghiệp banker” bằng cách thi tuyển vào ngân hàng to nhất nhì ở tỉnh nhà, Vietcombank Chi nhánh Cà Mau.
Tuổi tôi khi đó đã không còn trẻ, ít nhất là so với những ứng viên mới tốt nghiệp ra trường. Tôi bắt đầu lại từ con số 0 ở quê nhà, trong sự nghi ngờ và bàn ra của đồng nghiệp cũ. Họ không nghĩ tôi có thể thi đậu vào ngân hàng Vietcombank được. Vì đối với banker, nhảy việc là chuyện bình thường, các ngân hàng TMCP đào thải rất khủng khiếp và nhu cầu tuyển dụng cũng cao tương ứng. Nhưng thi tuyển vào Vietcombank, thành viên của “Big 4”, lại là một việc rất khác, hoàn toàn khác.
Từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy sau bao năm làm banker, tôi thi đậu trong sự ngỡ ngàng của nhiều người và chính thức trở thành một thành viên của mái nhà chung Vietcombank từ ấy.
Vietcombank Cà Mau đã cho tôi niềm tin và động lực để phấn đấu, đạt lấy thành quả xứng đáng với công sức tôi bỏ ra. Hầu hết nhân viên đều chọn gắn bó với Vietcombank cho đến khi về hưu. Sau 2 năm làm VCB-er, tôi đã bắt đầu hiểu được lý do vì sao. Và tôi, cũng sẽ chọn con đường đó.
ĐỖ KHANG NAM
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ