Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt đến báo chí cách mạng Việt Nam

24/07/2024 - 02:09
(Bankviet.com) Trước khi là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà báo, trưởng thành từ làm báo, là tấm gương sáng của Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Sự mất mát để lại niềm tin gắn kết Suy ngẫm về câu chuyện 'nhờ cậy' và 'thiệp báo hỷ' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Cận cảnh căn phòng bệnh nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điều trị

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhận công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) với nhiệm vụ là cán bộ Phòng Tư liệu. Sau đó, trở thành biên tập viên Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, đồng thời là Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản, rồi làm Phó Bí thư Chi bộ của Ban.

Sau khi hoàn thành bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở về Tạp chí Cộng sản tiếp tục công tác và nhận nhiệm vụ là Phó Trưởng Ban Xây dựng Đảng, rồi Trưởng Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí, Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, sau đó là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt đến báo chí cách mạng Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Nhiều năm gắn bó với báo chí cách mạng, Tổng Bí thư hiểu rõ và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Báo chí cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 diễn ra ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự phiên khai mạc và có bài phát biểu quan trọng.

Tại sự kiện này, bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu mà báo chí cách mạng Việt Nam đã đạt được, Tổng Bí thư khẳng định: “Báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận”.

Từ những kết quả ấy, Tổng Bí thư gửi gắm: “Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây là sự nghiệp vô cùng to lớn; bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản, khó khăn, thách thức cũng còn nhiều, đòi hỏi toàn xã hội phải có sự đồng tâm nhất trí cao, quyết tâm nỗ lực lớn, có niềm tin vững chắc và ý chí, nghị lực phi thường. Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng”.

Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng"; "Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng".

Cũng tại Đại hội này, Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm một số vấn đề trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ tới:

Trước hết, anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí; Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân.

Thứ hai, báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận...; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội; đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin.

Thứ ba, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Thứ tư, các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo trong việc không ngừng nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội.

Thứ năm, cần đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc : Phát triển phải đi đôi với quản lý, và quản lý phải theo kịp sự phát triển, tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

Như vậy, có thể thấy, những lời gửi gắm của Tổng Bí thư ở sự kiện cách đây gần chục năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Báo chí cách mạng Việt Nam nhiều năm qua vẫn kiên định mục tiêu là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi phóng viên, nhà báo luôn nỗ lực trở thành chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh với cái xấu, tôn vinh cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân.

Tổng Bí thư ra đi đúng vào giai đoạn báo chí cách mạng Việt Nam đang chuẩn bị chào đón những sự kiện vô cùng ý nghĩa là kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) và 260 năm Ngày Báo chí chữ quốc ngữ Việt Nam (ngày tờ Gia Định Báo phát hành số đầu tiên, ngày 15/4/1865), để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đất nước, dân tộc, cho cộng đồng những người làm báo. Tuy nhiên, tin rằng, những chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ luôn luôn là “kim chỉ nam” cho hoạt động của các nhà báo, các cơ quan báo chí, để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục sứ mệnh trở thành một trong những lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, hướng tới tương lai phồn vinh, hạnh phúc.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương