Tổng vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 67,34 tỷ USD

16/11/2024 - 08:35
(Bankviet.com) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 13/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

ong-thang-1731467312463815130783.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Về phạm vi đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Báo cáo sơ bộ về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện quy trình, thủ tục theo luật định, Thường trực UBKT đã tổ chức làm việc với một số chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức Đoàn khảo sát về Dự án, tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án.

UBKT khẳng định, Dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, UBKT cho rằng, Dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, UBKT đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của Dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.

Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao.

Trong phiên Thảo luận tại diễn ra trong sáng ngày 13/11, đa số ý kiến ĐBQH đều tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, tính khả thi, các ĐBQH cũng góp ý nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: Nguồn vốn cho Dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án;...

131120241140-dsc_0785.jpg
ĐBQH thảo luận tại tổ

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị trong báo cáo khả thi cần làm rõ hơn về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao và đồng tình với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đại biểu, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát trong triển khai, đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư Dự án.

Nhất trí với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đánh giá, dự án sẽ có độ lan tỏa, hiệu quả về mặt kinh tế -xã hội rất lớn khi tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh thành sẽ giúp phát huy được tiềm năng lợi thế của các địa bàn đó. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý một số vấn đề để triển khai dự án hiệu quả, như: nguồn nhân lực để thực hiện; việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt. Đồng thời, cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai tuyến đường sắt Cát Linh tại Hà Nội, tuyến Metro tại TP. Hồ Chí Minh để lường hết các yếu tố khi ký kết với nhà thầu nước ngoài tránh việc đầu tư kéo dài, gây ra lãng phí, tổn thất.

Để giải bài toán chậm tiến độ, đội vốn, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, điểm cốt lõi là cần chuyển giao công nghệ, chúng ta cần làm chủ quá trình đầu tư, tránh việc phục thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi vận hành, khai thác. “Chúng ta hợp tác với nước nào không quan trọng, nhưng cần chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nếu như vậy thì mới bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đoàn Hằng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ