Thông tin được ông Phan Văn Mãi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, tại lễ phát động trực tuyến phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch, do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 15/8.
Duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống của người dân
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, hôm nay đã là 80 ngày kể từ khi TP phát hiện ổ dịch trong cộng đồng, nhất là trong 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch thực sự là những ngày khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và người dân. Ai cũng phải chịu khổ cực, bất tiện, thiệt thòi… trong những ngày giãn cách xã hội.
Trong khó khăn chung đó, điều may mắn là TP. Hồ Chí Minh đã chứng kiến được nỗ lực vượt khó và sức mạnh đoàn kết khi người dân TP và cả nước chung sức, đồng lòng, nắm chặt tay nhau chống đại dịch... Đến nay, TP đã đạt kết quả bước đầu trong kiềm chế dịch bệnh, kéo giảm tốc độ lây nhiễm. TP cũng làm hết sức mình để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống của người dân, vận động nhiều nguồn lực xã hội, ưu tiên thực hiện tốt an sinh xã hội đến từng gia đình nghèo, mất việc làm, người già neo đơn, cơ nhỡ, để không ai phải quá khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc.
TP. Hồ Chí Minh nỗ lực bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân trong thời gian gian cách xã hội
Đặc biết, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, hàng nghìn doanh nghiệp cố gắng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đương 2 điểm đến” để duy trì sản xuất không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Giãn cách xã hội thêm 1 tháng
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh có số ca nhiễm tăng rất nhanh trong những ngày gần đây. Riêng với TP, số ca nhiễm dịch tuy có xu hương giảm nhưng vẫn còn cao, do đó nguy cơ tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn, nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan.
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ là trách nhiệm và thử thách rất lớn, nhưng cũng là mong muốn chung của TP. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh như vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch và đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, nên TP phải quyết định kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca mắc Covid-19 về mức thấp nhất, giảm nhanh số ca tử vong. Chỉ như vậy mới có thể từng bước đưa TP trở về trạng thái bình thường mới.
Để đạt được mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ chiến sỹ TP chung sức đồng lòng. Trước hết là thực hiện giãn cách triệt để, hạn chế nguồn lây. Từng người từng nhà thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách, chỉ ra đường trong những trường hợp hết sức cần thiết, luôn tuân thủ nguyên tắc 5K. Đăc biệt, người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa tiếp tục thực hiện triệt để “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà”.
Trong thời gian giã cách, TP. Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Đồng thời, TP phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh chăm lo đời sống của người dân… “Việc đưa vào hoạt động của Trung tâm an sinh xã hội cũng nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng này” - Phó Bí thư Thành ủy khẳng định.
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên, TP. Hồ Chí Minh tập trung chiến lược điều trị hiệu quả, giảm tử vong. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, để sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, nhằm sớm đưa TP. Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới.